Tính đến sáng 11-4 (giờ Việt Nam), toàn cầu đã có gần 1,7 triệu người nhiễm COVID-19 với tổng số người chết là 102.734, theo hãng tin AFP và trang thống kê Worldometer.
Nước Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới. Ngày 10-4, nước này ghi nhận thêm 2.035 ca tử vong mới. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay của Mỹ và của cả toàn cầu, đưa tổng số người chết tại đây lên 18.747.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới có dấu hiệu chững lại với 33.981 ca, cao hơn không nhiều so với một ngày trước đó (33.735 ca nhiễm). Hiện tổng số ca nhiễm ở Mỹ là 502.876, chiếm khoảng 1/3 số ca nhiễm thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng mức độ lây nhiễm quốc gia này đã "gần chạm đỉnh" và việc giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả.
Các nhân viên y tế đưa một bệnh nhân dương tính với COVID-19 lên xe cấp cứu ở TP Chelsea, bang Massachusetts (Mỹ) hôm 10-4. Ảnh: REUTERS
Tại châu Âu, dù chiếm tới 70% số ca tử vong của thế giới nhưng tình hình dịch bệnh ở châu lục này đang có nhiều tín hiệu khả quan với việc Tây Ban Nha, Ý đang dần bớt nóng.
Các quan chức ở Mỹ và châu Âu đã có thể hy vọng “đường cong bắt đầu thẳng”.
WHO: Dỡ bỏ phong tỏa sớm có thể gây nguy hiểm
Theo hãng tin Reuters, chính phủ các nước châu Âu đang phải đối mặt với áp lực phải cân bằng giữa việc giữ an toàn cho người dân và phục hồi nền kinh tế hiện đang bị COVID-19 "đánh mạnh".
Tuy nhiên, ngày 10-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
"Tôi biết một số quốc gia đã lên kế hoạch tháo dỡ các lệnh yêu cầu người dân ở nhà. Việc dỡ bỏ quá nhanh có thể làm tăng số người chết vì dịch bệnh, đồng thời gây nguy hiểm nếu không được quản lý đúng cách" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại các nước. Ảnh: FOX NEWS
Dù các điểm nóng ở châu Âu có dấu hiệu khả quan như trên nhưng ông Tedros lưu ý có "sự gia tăng đáng báo động" về lây lan dịch bệnh ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như tại 16 nước châu Phi.
Ông Tedros cho hay một số khu vực ở Nhật Bản đã phát hiện các ca nhiễm bệnh mà không có liên hệ với những ổ dịch khác, theo Reuters. "Từ đại dịch này, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu những khoảng trống, đây là một thông điệp mạnh mẽ đối với các nước phát triển" - ông Tedros nói.
Ông còn nhấn mạnh: "Không quốc gia nào miễn dịch. Không quốc gia nào có thể tuyên bố rằng họ có hệ thống y tế mạnh mẽ. Chúng ta phải thực sự trung thực để đánh giá và giải quyết vấn đề này".
Ngoài ra, người đứng đầu WHO bày tỏ đặc biệt lo lắng về thông tin một lượng lớn các nhân viên y tế nhiễm bệnh. "Ở một số quốc gia có tới 10% nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, đây là một xu hướng đáng báo động" - ông Tedros nhấn mạnh.
Một lực lượng đặc trách việc cung cấp trang thiết bị y tế Liên Hiệp Quốc mới thành lập sẽ điều phối, mở rộng mua sắm và phân phối thiết bị bảo hộ, chẩn đoán và cung cấp ôxy cho các quốc gia, theo ông Tedros.
Lễ Phục sinh với giãn cách xã hội
Ngày 12-4 tới là lễ Phục sinh. Hằng năm, vào ngày lễ này, các nhà thờ trên thế giới chật cứng giáo dân tham dự cầu nguyện.
Ngày 10-4 vừa qua được gọi là "Ngày thứ Sáu Tuần Thánh" - ngày bắt đầu kỳ lễ Phục Sinh đã chứng kiến một sự trống trải đến bất ngờ ở các nhà thờ do người dân phải ở nhà vì lệnh phong tỏa.
Ngay cả thông điệp lễ Phục sinh của Đức Giáo hoàng Francis cũng thay đổi. Ngài sẽ có bài phát biểu trực tuyến từ thư viện riêng của mình với ít người tiếp xúc, theo hãng tin AFP.
Đức Giáo hoàng Francis chủ trì buổi lễ "Thứ Sáu Tuần Thánh" tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican hôm 10-4. Ảnh: CNN
Trong khi đó, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, một nhà thờ ở thành phố New York đã di chuyển các hàng ghế gỗ của người cầu nguyện và thay bằng giường bệnh nhằm giúp giảm tải cho các phòng cấp cứu địa phương, theo AFP.
Còn các tín đồ ở TP Dusseldorf (Đức) tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội bằng việc tham gia cầu nguyện ngay trong xe hơi.
"Có thể đó là một cảm giác buồn. Nhưng với việc tín đồ ngồi trong xe hơi và cầu nguyện, chúng tôi đang cố gắng tạo ra một chút không khí cộng đồng” - linh mục Frank Heidkamp nói với AFP khi hàng trăm tín đồ tập trung và cầu nguyện trong xe hơi.
Linh mục Frank Heidkamp trao đổi với các tín đồ trong buổi lễ cầu nguyện hôm 10-4. Ảnh: CNN
Giáo hội Công giáo ở Philippines thì kêu gọi các tín đồ của mình đừng hôn lên Thánh giá.
Chính thống giáo Hy Lạp đang lên kế hoạch tổ chức những buổi lễ cầu nguyện bên trong các nhà thờ đóng kín cửa.
"Cứ trong 10 người Hy Lạp thì có đến 7 người sẽ thưởng thức món thịt cừu nướng cho lễ Phục sinh. Tuy nhiên, việc này lại không xuất hiện trong năm nay" - một người kinh doanh thịt tên Angelos Asteriou nói với AFP.
Tu viện Westminster ở London lại đang đi theo xu hướng công nghệ mới bằng việc phát hành các tập tin âm thanh (podcast) Phục sinh cho các tín đồ của Anh giáo để họ có thể tải về nghe.
Thái tử Charles - người cũng từng dương tính với COVID-19 và đã tự cách ly cũng sẽ có một bài đọc “Tin Mừng” trong buổi lễ Phục sinh ngày 12-4.
Linh mục Andrew Nunn của nhà thờ Southwark, London (Anh) đang cầu nguyện và phát trực tiếp qua mạng xã hội hôm 10-4. Ảnh: CNN
Còn với các linh mục tại đền thờ Công giáo La Mã ở thị trấn Lourdes (Pháp), họ cũng bắt đầu phát trực tuyến các buổi cầu nguyện liên tục trên mạng xã hội Facebook và YouTube.
"Vì dịch bệnh, những người hành hương không thể đến với chúng tôi nên chúng tôi sẽ tự mình đến nhà của họ bằng các bài cầu nguyện trực tuyến” - cha xứ Olivier Ribadeau Dumas nói với hãng tin AFP.