18 năm cấm dạy thêm… trên giấy và thách thức hiệu quả Thông tư 29

(ĐTTCO)-Để thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sự quyết liệt và đồng bộ, nếu không sẽ chỉ là cấm dạy thêm, học thêm… trên giấy như 18 năm qua.

18 năm cấm dạy thêm… trên giấy và thách thức hiệu quả Thông tư 29

Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học là quy định xuyên suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 18 năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều học sinh tiểu học vẫn phải học thêm, cả ở trường hay cơ sở thuê để dạy thêm của giáo viên. Việc giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường cũng được quy định từ năm 2012 nhưng không được thực thi.

Thực tế này một lần nữa cho thấy thách thức trong thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ hôm nay, với nhiều quy định mới siết chặt hơn về dạy thêm, học thêm.

Năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 03/2007/QD-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Quyết định này nêu rõ cấm dạy thêm “đối với các trường hợp dạy học 2 buổi trong một ngày,” “không dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.”

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm thay thế Quyết định 03. Thông tư số 17 tiếp tục quy định “không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày” đồng thời siết chặt hơn với dạy thêm ở bậc tiểu học với quy định “không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.”

"Như vậy, tính từ năm 2007, ngành dục đã có 18 năm cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, nhưng trên thực tế, học sinh vẫn bị ép đi học thêm," chị Trần Nguyệt Minh (Thanh Trì, Hà Nội) nói.

Đưa dẫn chứng từ trường hợp chính con mình, chị Minh nói con chị vẫn phải học thêm đều đặn từ lớp 1 đến lớp 5, thậm chí từ năm lớp 4, con còn phải học thêm ca ba đến tận 18 giờ 30 phút hoặc cuối tuần, buổi ở trường, buổi đến nhà cô. Và dù không muốn cho con học thêm, chị vẫn buộc lòng phải “tự nguyện đăng ký” với rất nhiều lý do.

“Thời gian học buổi chiều của con chỉ đến 15h30 trong khi bố mẹ đi làm 17h mới tan sở. Trường có các câu lạc bộ như học cờ vua, học đá bóng, học vẽ, học nhảy… tôi rất muốn cho con tham gia nhưng các câu lạc bộ này bắt đầu từ… 17h15. Từ 15h40 đến 16h55, trường bố trí các tiết bồi dưỡng văn hoá, quản lý cuối ngày, là tiết học phụ huynh phải đóng tiền để cô giáo cho con học thêm ở lớp. Vì vậy, tôi buộc phải đăng ký cho con học tiết học này dù không muốn con phải học quá nhiều đồng thời không thể cho con học các môn học ngoại khóa dù rất muốn vì con sẽ về quá muộn,” chị Minh chia sẻ.

Cũng theo chị Minh, cô giáo sẽ gọi điện, nhắn tin vận động nên những gia đình có điều kiện đón con sớm cũng rất ít người không học tiết bồi dưỡng văn hóa vì sợ con bị cô có thái độ riêng. Nhắn tin, gọi điện cho phụ huynh cũng là cách để giáo viên “kéo” học sinh đến lớp ca ba hay cuối tuần.

“Học sinh tiểu còn nhỏ và chịu tác động tâm lý rất lớn từ giáo viên nên đa phần phụ huynh đều không dám lên tiếng dù bức xúc chỉ vì muốn bảo vệ con,” chị Minh chia sẻ.

Thông tư 17 ban hành từ năm 2012 cũng quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng “không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường” và “không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.” Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải được cấp phép.

Giai đoạn đầu sau khi Thông tư 17 được ban hành, việc triển khai được tổ chức ráo riết. Năm 2012, dư luận xôn xao khi nhiều trường hợp giáo viên bị “bắt quả tang” vì dạy thêm trái quy định như tự tổ chức lớp, không có giấy phép tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, theo thời gian, những quy định này dường như rơi vào quên lãng. Việc giáo viên tự tổ chức các lớp dạy thêm trở thành bình thường đến mức khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông 29, việc giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, việc tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải được cấp phép lại được dư luận quan tâm như một điểm mới.

Thực tế cho thấy những lệnh cấm đã không được thực thi, dù Thông tư 17 có phần quy định trách nhiệm của uỷ ban nhân dân từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ sở, phòng giáo dục và đào tạo đến hiệu trưởng.

Đồng tình với tinh thần siết chặt dạy thêm theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng chị Minh cho rằng cần sự quyết liệt và đồng bộ, nếu không sẽ chỉ là cấm dạy thêm, học thêm… trên giấy như 18 năm qua.

Đây cũng là nỗi niềm của anh Phạm Ngọc Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội). Anh Thắng cho rằng các chính sách đều muốn hướng đến điều tốt đẹp, nhưng thực thi không nghiêm túc thì sẽ không tạo được sự thay đổi, thậm chí chỉ làm khó thêm cho phụ huynh, tăng sự bức xúc trong xã hội và suy giảm uy tín, hình ảnh người thầy.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng cho rằng việc thực hiện Thông tư 29 sẽ có nhiều khó khăn, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ và đặc biệt là lòng tự trọng, tự tôn nghề nghiệp của các nhà giáo trong tuân thủ quy định pháp luật.

Các tin khác