Hai Dự án đường Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 theo hình thức PPP (đối tác công-tư) đang bị chậm tiến độ do chủ đầu tư/doanh nghiệp dự án vẫn chưa quyết liệt vào cuộc thi công và có thể ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành của công trình.
Được khởi công tháng 5/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024, hiện Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt có lũy kế sản lượng là 5.087,7/8.595,05 tỷ đồng (đạt 59,19% giá trị hợp đồng, chậm 2,49% so với tiến độ điều chỉnh lần 4, chậm 6,79% so với tiến độ điều chỉnh lần 3).
Theo hợp đồng các gói thầu xây lắp phải hoàn thành tháng 5/2024, tính đến nay dự án đã thực hiện được 29/36 tháng (đạt khoảng 80% thời gian thực hiện) nhưng sản lượng mới đạt 59,19%. Bộ Giao thông Vận tải đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp và có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhưng các tồn tại vẫn chưa được doanh nghiệp dự án giải quyết triệt để, chưa quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ.
Cụ thể, các hạng mục đường găng tiếp tục chậm tiến độ như xử lý đất yếu (tất cả các nhà thầu) chậm khoảng 5 tháng; hầm Thần Vũ (Công ty Hòa Hiệp, CIENCO4) chậm khoảng 2 tháng; cầu lớn như Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, Thần Vũ 1, Ô Ồ và nút giao Quốc lộ 46B,... chậm khoảng 2 tháng.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tổ chức công trường khoa học, hợp lý, tập trung vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; có giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các tồn tại gồm bổ sung đầy đủ mũi thi công, tương ứng thiết bị và nhân lực; kế hoạch bố trí nguồn lực tài chính của các nhà thầu, đặc biệt là nguồn lực để xử lý đất yếu (phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nền đất yếu hoàn thành trước mùa mưa lũ vì đây là đường găng tiến độ); tập trung nhân lực của doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công làm công tác nội nghiệp, đáp ứng việc nghiệm thu, thanh toán và giải ngân.
Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 6 kiểm tra, rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp xử lý theo các quy định hợp đồng BOT đã ký kết.
Với Dự án Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, dài 78,5km được khởi công tháng 9/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 3/2024. Đến nay, sản lượng là 6.120/7.587 tỷ đồng (đạt 80,67% giá trị hợp đồng, theo tiến độ điều chỉnh của dự án chậm 4,6%).
Hạng mục chậm tiến độ chính của dự án là công tác triển khai thi công trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (hiện vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế điều chỉnh) do đó các hạng mục chính chưa triển khai thi công.
Ngoài ra, đối với một số hạng mục mang tính chất là đường găng của dự án như: đào đá nền đường còn khoảng 350.000 m3, trong thời gian vừa qua, nhà thầu đã tập trung thi công, huy động bổ sung máy móc thiết bị, khối lượng thi công trung bình chỉ đạt khoảng 8.500m3/ngày; một số điểm đường găng như cầu Km60, thi công mặt đường bê tông nhựa, một số vị trí cầu vượt ngang như cầu Km57, cầu vượt đường sắt và Quốc lộ 1 và hệ thống an toàn giao thông trên tuyến... đồng thời công tác đào hầm chậm nguyên nhân gặp đới địa chất yếu (ảnh hưởng đến tiến độ).
Do đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, căn cứ khối lượng các hạng mục còn lại, lập tiến độ thi công điều chỉnh đảm bảo tiến độ hoàn thành cơ bản các hạng mục cầu, đường ngày 30/12/2023, hoàn thành dự án ngày 30/3/2024.
Đặc biệt, chủ đầu tư cần có giải pháp bổ sung, thay thế nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với các nhà thầu thi công trên đoạn tuyến Km54-Km92+260 chậm tiến độ nhưng không có chuyển biến hoặc chuyển biến chậm; cam kết tiến độ hoàn thành dự án, có các giải pháp cụ thể triển khai thi công các hạng mục là đường găng của dự án đồng thời có phương án bổ sung ngay đơn vị thi công khối lượng các hạng mục đường găng như đào đá, các cầu, móng mặt đường; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế điều chỉnh hệ thống trạm thu phí để triển khai thi công đáp ứng tiến độ.