2013 và những sự kiện

Thêm một năm trôi qua với nhiều biến động khôn lường, ĐTTC điểm lại những sự kiện nổi bật ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong năm 2013.

Thêm một năm trôi qua với nhiều biến động khôn lường, ĐTTC điểm lại những sự kiện nổi bật ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong năm 2013.

1. FED thu hẹp gói kích thích

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục thực hiện các chương trình kích thích để phục hồi nền kinh tế. Đáng chú ý việc mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng (QE3) đã giúp chứng khoán Hoa Kỳ hồi phục 167% từ mức đáy lập vào tháng 3-2009. Tuy nhiên, từ tháng 5, Chủ tịch FED Ben Bernanke phát đi những tín hiệu cho biết sẽ thu hẹp chương trình này ngay trong năm nay.

Động thái này đã làm giá nhiều loại tài sản vốn bị lao dốc mạnh trên toàn cầu, từ chứng khoán, trái phiếu cho đến các loại tiền tệ và chứng khoán Hoa Kỳ giảm tới 5% trong vòng 1 tháng. Ngày 18-12, FED tuyên bố giảm chương trình QE3 còn 75 tỷ USD/tháng, bắt đầu từ tháng 1-2014.

2. Khủng hoảng châu Âu

Cuộc khủng hoảng ở châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tháng 3, đảo Síp trở thành thành viên tiếp theo của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải nhận ứng cứu, đã khiến giới quan sát chỉ trích mạnh mẽ hơn các nguyên tắc của Eurozone.

Người ta cho rằng kể từ khi gia nhập đồng tiền chung, người dân các nước như Hy Lạp, Síp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia… có đời sống khốn khổ hơn, nền kinh tế tồi tệ hơn. Cho đến trước vụ ứng cứu Síp, EU luôn duy trì 2 mục tiêu chính: giữ bằng được tất cả thành viên ở lại Eurozone và bảo đảm tất cả tiền gửi dưới 100.000EUR. Họ đã chi 5.000 tỷ EUR trong 5 năm để thực hiện 2 mục tiêu này.

3. Hoa Kỳ đóng cửa chính phủ

Vấn đề ngân sách và nợ công của Hoa Kỳ đã khiến nước này phải đóng cửa hơn 400 điểm đến du lịch như công viên, vườn thú, bảo tàng, đồng thời các nhân viên nhà nước ở những bộ phận không thiết yếu cũng phải ở nhà.

Ước tính việc đóng cửa đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ mất khoảng 24 tỷ USD và làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. Việc Hoa Kỳ đóng cửa chính phủ cũng khiến các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới giảm điểm mạnh. Năm qua Hoa Kỳ còn phải chứng kiến sự phá sản của thành phố Detroit, là cuộc phá sản cấp thành phố lớn nhất từ trước đến nay.

4. Nhật Bản tung Abenomics

Ngay từ đầu năm tân Thủ tướng Shinzo Abe công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá 226,5 tỷ USD, với mong muốn đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài, đồng thời đạt được mức tăng trưởng GDP thực khoảng 2%, có 600.000 việc làm mới, kìm hãm đà giảm phát và tình trạng lên giá của đồng yen.

Ông Abe còn đưa ra nhiều chính sách kinh tế khác (Abenomics), hay còn gọi là chiến lược “3 mũi tên”, với trọng tâm chính gồm thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Tính đến nay, chương trình này khá thành công khi giúp thúc đẩy kinh tế xứ Phù Tang tăng trưởng trở lại, với tăng trưởng quý III ước đạt 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

5.Trung Quốc cải tổ

Tháng 3 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc sau 10 năm, khi thế hệ lãnh đạo trước trao lại quyền hành cho những nhà lãnh đạo mới trẻ tuổi: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Giới quan sát kỳ vọng thế hệ lãnh đạo mới sẽ có những quyết sách đột phá giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phát triển mạnh mẽ, bền vững và cởi mở hơn.

Mong đợi đó đã được thực hiện khi Hội nghị Trung ương 3, khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 đã đưa ra đề án cải tổ sâu rộng về kinh tế, như xây dựng thị trường tự do cạnh tranh, trao cho thị trường vai trò quyết định phân bổ nguồn lực; cho phép các công ty tư nhân nắm 10-15% cổ phần trong những dự án nhà nước độc quyền kiểm soát trước đây; nông dân được trao quyền linh hoạt hơn trong việc cho thuê đất; xử lý mạnh tay với tình trạng gây ô nhiễm...

6. Biểu tình Thái Lan, bão Haiyan

Tháng 11, Philippines hứng chịu cơn bão Haiyan có sức tàn phá mạnh nhất từng được ghi nhận. Siêu bão này đã khiến hơn 8.000 người chết và mất tích, hơn 28.000 người bị thương. Thiệt hại đối với nông nghiệp và công trình nhà cửa ước tính gần 1 tỷ USD.

Cơn bão còn gây thiệt hại ở Việt Nam, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Trong khi đó, những cuộc biểu tình ở Thái Lan diễn ra liên tục từ tháng 11, đã khiến nền kinh tế nước này tổn thất lớn. Chính phủ đã phải giải tán quốc hội và tiến hành tái bầu cử.

Cuộc khủng hoảng khiến các hoạt động xuất khẩu, đầu tư… bị tác động xấu, người dân hạn chế chi tiêu. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã giảm mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2014 từ 4,8% xuống còn 4%. Giá trị đồng baht giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Du lịch bị ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng biểu tình.

7. Vàng sụt giá, chứng khoán tăng kỷ lục, dầu chao đảo

Lần đầu tiên giá vàng giảm mạnh sau khi tăng liên tiếp hơn 10 năm. Giá vàng đầu năm ở mức gần 1.700USD/oz, bắt đầu giảm từ tháng 4 và nay ở quanh mức 1.200USD/oz. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán tăng mạnh.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average của Hoa Kỳ tăng 25%, mức tăng tốt nhất 1 thập niên. Chỉ số S&P 500 tăng 29%, tốt nhất kể từ năm 1997. Trong khi đó, chỉ số Topix của Nhật Bản tăng tới 49%, tăng “khủng” nhất của thị trường các nước phát triển.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu WTI tăng 8,4% kể từ đầu năm, là năm tăng giá thứ 4 liên tiếp. Lực đẩy của giá dầu là tình hình bất ổn tại Trung Đông - Bắc Phi và sự phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ - nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới - đã khiến giá dầu liên tục chao đảo.

8. Những cuộc chiến thương mại và thông tin

Tháng 2, báo giới Hoa Kỳ đưa tin Trung Quốc tổ chức đội quân tin tặc thực hiện các vụ tấn công vào những công ty hàng đầu của Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Trung Quốc cũng bị cáo buộc đứng sau một nhóm tin tặc xâm nhập ăn cắp dữ liệu về các công nghệ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã phủ nhận mọi liên quan, khẳng định nước này cũng là nạn nhân của nhiều nhóm tin tặc xuất xứ từ Hoa Kỳ. Sau đó, Snowden tiết lộ về chương trình của NSA, trong đó có hoạt động tin tặc của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Tháng 6, Trung Quốc áp thuế 57% đối với pin năng lượng mặt trời từ Hoa Kỳ, sau đó tăng thêm 6,5% vào tháng 9. Ngày 2-12, EU quyết định áp thuế chống phá giá 42,1%, kéo dài trong 2 năm đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc. Trung Quốc đã trả miếng bằng việc nâng thuế nhập rượu vang từ EU.

Các tin khác