Qua xác minh, các học viên (từ nhiều tỉnh) thấy trường rao chiêu sinh trên mạng nên ghi danh nộp hồ sơ trực tuyến và nhà trường đã gửi giấy báo nhập học. Nhưng sau khi đóng học phí, các học viên nhận thấy thực tế không đúng như các thông tin chiêu sinh.
Các học viên cho biết: “Tụi em đã đóng học phí học kỳ 1, tổng cộng gần 8 triệu đồng. Nhà trường thông báo trong đó bao gồm chi phí ở ký túc xá, 4 cuốn sách, đồng phục… Tuy nhiên, khi vào ở mới hay ký túc xá này không phải của Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN, nơi ăn ở rất tệ.
Ban quản lý cho hay từ tháng sau tụi em phải đóng 1 triệu đồng/tháng và tiền điện nước, nếu không đồng ý thì phải dọn ra. Các học viên tra cứu trên mạng mới hay Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN chỉ có ở miền Bắc, không có chi nhánh ở TPHCM. Thậm chí các phòng học cũng không phải của nhà trường, mà là thuê mướn của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Vạn Xuân (quận Gò Vấp, TPHCM).
Như vậy thực tế nhà trường hoàn toàn không có cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ việc học như đã thông tin”. Từ tỉnh Bình Phước, phụ huynh N.T.L. về TPHCM, phản ánh: “Ở địa phương yêu cầu phải có giấy xác nhận con tôi đang học cao đẳng mới được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, gần một tháng rồi, chúng tôi vẫn chưa được trường cấp giấy này”.
Các phiếu thu có đóng dấu treo của Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN cho thấy trường trực thuộc Bộ LĐTB-XH, nhưng thực tế tại “chi nhánh TPHCM”, phóng viên không thể gặp ai trong ban giám hiệu để xác minh.
Sáng 21-8, 30 học viên đã nghỉ học, đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi ban giám hiệu nhà trường xin rút hồ sơ và được hoàn học phí, nhưng các nhân viên văn phòng lại yêu cầu các học viên làm đơn xin thôi học. Nếu không phải là một trường mạo danh để chiêu sinh trục lợi, tại sao Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN chi nhánh TPHCM lại tránh mặt, không giải thích, thông báo rõ cho học viên và các phụ huynh? Đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra vụ việc để giải quyết thỏa đáng quyền lợi và nguyện vọng của các học viên.