Đến cây cầu bắc qua dòng kênh mang tên một người anh hùng, ông Nguyên bảo lái xe dừng lại. Mở cửa bước ra ngoài, người ông như có liều thuốc bổ. Gió từ mặt sông thổi mát rượi. Những kỷ niệm xưa ùa về.
Ông Nguyên nhớ lại, sau ngày thành phố giải phóng, ông Bí thư Thành ủy họ Võ đã phát động thanh niên đào dòng kênh này. “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/Chỉ có mùa hè nóng bỏng”.
Ông khẽ đọc những câu thơ của một người anh, đồng đội cùng đơn vị sáng tác. Cùng với bài hát “Gửi nắng cho em”, bài thơ này được nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng”.
Hít thở một lúc, hai bác cháu tiếp tục hành trình. Hình như anh lái xe trẻ hiểu được tâm trạng của bác, chăm chú lái xe, không làm gián đoạn dòng suy tưởng của người cựu chiến binh già.
Xe vượt qua cánh đồng ngập phèn trước đây, nay là khu công nghiệp sầm uất đến thị trấn. Ông bảo xe dừng lại vào quán tạp hóa ven đường. Đã thành thói quen, mỗi lần về thăm Bông - người yêu đầu đời của ông, ông đều mua cái gì đó. Khách thăm nhà không thể “đi tay không”. Các cụ xưa từng dạy “miếng trầu mở đầu câu chuyện”.
Phố thị đã khác xưa, ông Nguyên không thể nào nhận ra tòa nhà to nhất nhì phố huyện xưa, nơi có quầy bán báo trước cửa. Một chàng trai trẻ mau mắn:
- Ông hỏi nhà bà Bông hả? Cách nhà con hai căn. Nhưng bà ấy đi rồi ông ạ.
- Bà ấy đi đâu? Giọng ông Nguyên dồn dập.
- Dạ, bà ấy mất được hơn một tháng rồi ông…
Ông Nguyên như thấy đất dưới chân sụp lún. Ông loạng choạng vịn vào cửa xe. Anh tài xế thấy vậy, mở cửa xe dìu ông ngồi vào ghế:
- Bác có sao không? Đoạn anh lấy chai nước: Bác uống nước. Con lấy thuốc cho bác nhé?
Dường như đã lấy lại bình tĩnh, ông xua tay:
- Không sao, không sao đâu con. Đưa bác đến nhà bà ấy.
Sau tiếng gõ cửa, một cô gái trẻ xuất hiện:
- Dạ, con chào ông. Ông cần gặp ai ạ?
Ông Nguyên không tin ở mắt mình. Cô bé giống bà Bông thời trẻ đến thế. Cả giọng nói như tiếng chim ấy nữa.
- Cho ông hỏi nhà bà Bông.
- Dạ, nhà bà cháu đây ạ. Mời ông vào.
Tay cầm gói kẹo vừa mua, ông Nguyên bước vào nhà. Đã nửa thế kỷ, căn nhà đổi khác quá. Chờ ông Nguyên ngồi xuống ghế, cô bé mời ông ly nước trắng, giọng run run:
- Con nhớ ra rồi. Ông là ông Nguyên. Sinh thời bà con vẫn nhắc đến ông. Bà còn cho chúng con xem hình và các bài viết của ông nữa.
Ông Nguyên thấy mình có lỗi:
- Vậy bà của con mất hồi nào. Sao không báo cho ông biết để ông thắp nhang cho bà.
Cô gái không trả lời câu hỏi của ông Nguyên. Đoạn cô đến dìu ông đến trước bàn thờ. Trên bàn thờ, qua di ảnh, bà Bông cười chào đón ông. Tóc hoa râm, đuôi mắt chằng chịt dấu chân chim. Nhưng ánh mắt, nụ cười của bà Bông vẫn thế.
Cô gái trẻ gọi bà Bông bằng bà họ (chị của bà ngoại cháu), lôi từ trong tủ các bức thư, hình ảnh, cả những cuốn sách, tờ báo có in bài của ông. Nhìn cách xếp đặt, gói buộc, ông nhận ra bà Bông nâng niu quý trọng như kỷ vật của đời mình.
Cô gái giữ ông ở lại dùng cơm trưa. Ông Nguyên từ chối. Thật, ông không có tâm trạng nào để ngồi ăn. Ông cố gắng kìm cảm xúc. Chia tay cô gái, ông Nguyên nói lái xe chạy dọc con lộ nhỏ cán bê tông ra phía cánh đồng. Đến nơi có cây cầu nhỏ bắc qua dòng kênh, ông nói xe dừng lại.
Mở cửa bước ra ngoài, ông Nguyên thấy chung chiêng như người mộng du. Ông bảo cháu trai vào xe đợi ông. Một mình ông đi về phía cây phượng “độc mộc” cách cây cầu vài chục mét. Nửa thế kỷ trước, khi còn là chàng lính trẻ từ trong rừng ra, ông và bà Bông đã ngồi dưới gốc cây này.
Ngày ấy ông Nguyên vừa qua tuổi đôi mươi, còn bà Bông tròn 17 tuổi. Anh lính trẻ và cô nữ sinh trường huyện gặp nhau trong đêm giao lưu văn nghệ giữa đơn vị bộ đội và chi đoàn địa phương.
Ngày đó, vừa trải qua bom đạn lại bị căn bệnh sốt rét từ Trường Sơn đeo bám, người ông Nguyên gầy như cây sậy. Hố mắt sâu thẳm, môi thâm tím. Chỉ có nụ cười và hàm răng tỏa nắng. Như định duyên từ kiếp trước, sau buổi gặp đầu tiên ấy, ngày nào khi hết giờ làm việc, Nguyên cũng đạp xe ra phố huyện nhận thư báo cho đơn vị. Nguyên không ngờ quầy báo thư ấy là của nhà Bông.
Mẹ của Bông - một phụ nữ có dáng “bà chủ” trực tiếp quản lý. Dần dà, như trái cây đến ngày chín, đôi trai gái bén duyên. Họ trao cho nhau những lá thư tình yêu học trò. Cho đến khi Bông “cả gan” trốn mẹ ra ngồi với Nguyên dưới gốc cây phượng giữa cánh đồng, thì như duyên trời định. Họ không thể thiếu nhau. Nguyên nói với Bông anh sẽ cưới nàng làm vợ: sẽ sinh con đẻ cái như bao cặp trai gái, lứa đôi khác.
Nhưng cuộc đời không phải cái gì cũng chiều lòng người. Sau thời gian suy nghĩ, đôi trẻ tiến tới công khai mối quan hệ thì chuyện động trời xảy ra. Đơn vị cử người “điều tra lý lịch” vợ sắp cưới của Nguyên, thì tá hỏa tam tinh: gia đình Bông là gia đình tư sản.
Anh trai cả của Bông là sĩ quan chế độ cũ, nghe nói có nợ máu với cách mạng. Nguyên là đảng viên, thuộc diện “cán bộ nguồn”, nên cấp trên không đồng ý cho Nguyên xây dựng gia đình với Bông. Vậy là, hoặc Nguyên từ bỏ tất cả để cưới Bông và ngược lại. Nghe tin ấy, Nguyên đưa Bông ra gốc cây phượng “độc mộc” giữa cánh đồng. Anh gục vào ngực Bông nức nở:
- Em là mối tình đầu của anh. Cuộc đời anh không thể thiếu em. Anh sẽ bỏ tất cả để sống với em đến cuối cuộc đời.
Lòng Bông như có dao cắt. Cô gục vào vai Nguyên, nói trong nước mắt:
- Em biết anh yêu em thực sự. Nhưng sự nghiệp của anh còn dài. Anh phải tiếp tục công tác và thăng tiến cho xứng với sự phấn đấu, hy sinh của anh trong chiến tranh.
Nói rồi, Bông bỏ Nguyên vùng chạy về nhà. Đó là đêm cuối tháng 10-1976. Từ đêm ấy, Bông trốn biệt, không gặp mặt Nguyên nữa.
Cho đến khi đơn vị Nguyên được lệnh hành quân lên biên giới, Bông mới nhờ nhỏ bạn trao thư cho Nguyên. Trong thư ấy, Bông khuyên Nguyên quên cô đi. Cô sẽ đi lấy chồng…
Thời gian như thước đo lòng người. Tạm biệt Bông, đơn vị của Nguyên hành quân lên biên giới. Kẻ thù mới xuất hiện không phải ai xa lạ, chính là đồng đội cùng chung chiến hào. Nghe theo xúi giục của kẻ xấu, họ tàn bạo trở mặt, xua quân xâm lấn và giết hại hàng ngàn dân lành dọc biên giới Tây Nam.
Nguyên cùng đơn vị vào cuộc chiến mới. Anh không có thời gian biên thư cho Bông. Nhưng qua bạn bè, anh biết Bông chưa đi lấy chồng như đã nói với anh. Cô học sư phạm và về thị trấn quê hương dạy ở một trường tiểu học…
Đang chiến đấu ở biên giới Tây Nam, đơn vị của Nguyên được lệnh hành quân cấp tốc ra biên giới phía Bắc. Nguyên cùng đơn vị chiến đấu dài ngày trên đỉnh Mèo Vạc. Hàng trăm đồng đội của anh ngã xuống. Nguyên bị thương nặng gãy xương đùi bên phải, chuyển về tuyến sau.
Sau thời gian dài điều trị ở quân y viện, anh được xuất ngũ về địa phương và xây dựng gia đình như bao người lính rời trận mạc khác.
Cách đây gần chục năm, nhân dịp cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, Nguyên trở lại thị trấn nhỏ miền biên giới. Nghe tin Bông vẫn chưa xây dựng gia đình, đã nghỉ dạy học. Nguyên không đủ can đảm đến gặp Bông. Qua người quen cũ, Nguyên biết cô vẫn đợi anh.
Và điều phũ phàng nữa, anh hiểu rõ vấn đề “lý lịch” - cái cớ để duyên anh và Bông không thành. Do đặc điểm tình hình, ngày ấy hầu hết các gia đình Nam bộ có người thân tham gia hai chiến tuyến. Gia đình Bông cũng thế. Người ta chỉ biết Bông có anh trai bị bắt lính rồi trở thành “kẻ nợ máu” với cách mạng. Họ không biết, cô có người bác ruột (anh trai của cha), là cán bộ tập kết trở về. Trước khi về hưu, ông là một cán bộ cấp cao của thành phố và đất nước…
Xe chạy về thành phố khi hoàng hôn tím như màu hoa sim cuối dòng Vàm Cỏ Đông. Lòng ông Nguyên nặng trĩu. Chuyến trở lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm nửa thế kỷ ngày thống nhất đất nước không làm ông vui mà nặng trĩu nỗi niềm.
Ông Nguyên nhận ra bộ mặt thật của chiến tranh. Chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng hàng triệu người, mà còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng mỗi người như bà Bông và cả ông nữa.
Ven Sài Gòn 4-2025