Ai gây áp lực học hành?

(ĐTTCO) - 'Nếu có 3 điều ước bạn sẽ ước gì? Tui chỉ cần ước một điều thôi. Ước gì chết để khỏi phải học...', đó là mẩu hội thoại mà chị Ng.Ng.N (phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Q.1, TP.HCM) nghe con mình nói với bạn.

(ĐTTCO) - 'Nếu có 3 điều ước bạn sẽ ước gì? Tui chỉ cần ước một điều thôi. Ước gì chết để khỏi phải học...', đó là mẩu hội thoại mà chị Ng.Ng.N (phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Q.1, TP.HCM) nghe con mình nói với bạn.

Mẩu hội thoại trên là một minh chứng điển hình cho thấy việc học không còn là niềm vui khám phá tri thức, khát vọng tự do sáng tạo mà trở thành một áp lực nặng nề, đầy ám ảnh với nhiều học sinh (HS). Nhưng ai tạo ra áp lực này: Chương trình giáo dục, thầy cô, cha mẹ, những người thân hay chính bản thân người học...? Nhằm đi tìm nguyên nhân, mở diễn đàn “Ai gây áp lực học hành?”, với mong muốn qua đó có giải pháp để lời ghi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu.

“Ước gì chết để khỏi phải học”

 Câu nói: “Ước gì chết để khỏi phải học...” của con khiến chị Ng.Ng.N vô cùng hoang mang. Phụ huynh này kể, suốt những năm tiểu học, P. (con trai chị N.) học rất giỏi, luôn đứng trong tốp 5 của lớp. Nhưng từ khi lên lớp 6, P. luôn tỏ ra chán học. “Mới đây cháu còn giả vờ ốm để khỏi phải đi học. Sau khi hỏi kỹ lý do thì tôi biết do bị điểm 3 và giáo viên mắng nhiều vì điểm kém, thậm chí là phạt đứng góc lớp nên cháu sợ đi học”.

Tức giận vì con chỉ đạt điểm 3, nên chồng tôi lấy cây đánh con ngay trước giờ đi học. Vừa đánh anh ấy vừa quát hỏi: “Vì sao con bị 3 điểm?”. Phụ huynh này kể trong nước mắt: “Cháu nó nói lại cô thường mắng, mẹ là giáo viên mà sao con lại học dốt. Nếu học dốt như vậy thì bảo mẹ chuyển trường đi. Tôi nghe con nói thế thì cảm thấy rất buồn và cho rằng lỗi lớn chính là ở mình. Tôi đã tự tạo áp lực cho con khi cứ cố xin cho cháu vào trường điểm mà không biết cháu không hề hạnh phúc khi học ở đó”.

Một phụ huynh mang cơm cho con ăn ngay tại trường sau giờ học để con đi học thêm.
Một phụ huynh mang cơm cho con ăn ngay
tại trường sau giờ học để con đi học thêm.

Đứng trước cổng một trường THCS tại Q.3 (TP.HCM), chúng tôi thấy cuối các buổi chiều nhiều phụ huynh vội vã đón con ở trường rồi lại vội vã đưa con đi học thêm ở nơi khác. Tr.T.A, HS lớp 9, đọc một lèo lịch học của mình: “Buổi sáng hai, tư, sáu con học thêm toán ở nhà thầy. Sáng ba, năm, bảy học thêm lý, hóa ở nhà một thầy khác. Còn lại các buổi chiều sau giờ học, con đi học thêm Anh văn và ngữ văn ở trung tâm”. T.A cho biết thêm: “Hôm nào sớm nhất con về tới nhà cũng khoảng 8 giờ. Vừa ăn cơm xong là ngồi vào bàn làm bài tập tới khuya mới xong. Hôm nào sớm thì cũng phải 10 giờ mới đi ngủ. Đó là chưa kể tới mỗi kỳ thi thì lịch học lại dày thêm”.

Phần lớn HS hiện nay đều phải học kiểu chạy sô như vậy. Chị Bích Hường, một phụ huynh ở Q.3, TP.HCM, cho rằng học để chuẩn bị cho tương lai, có học tốt thì mới thi vào một trường tốt và có một cuộc sống tốt về sau. Đây cũng chính là lý do chủ yếu để các phụ huynh đẩy con mình vào “vòng xoáy” học hành.

Con phải thực hiện ước mơ của bố mẹ

Cứ khi kết thúc một học kỳ hay năm học hoặc khi có kết quả thi vào lớp 10, thi ĐH, thi HS giỏi là trên mạng xã hội lại tràn ngập bảng điểm, giấy khen… mà các ông bố bà mẹ đưa lên để khoe thành tích của con mình. Đằng sau những lời chúc tụng, ngợi ca ấy lại là áp lực không nhỏ với con trẻ.

Một HS lớp 11 trường THPT nổi tiếng ở Hà Nội buồn bã tâm sự: “Dường như chưa bao giờ mẹ em hài lòng với kết quả học tập của em. Mẹ em khoe thành tích của em lên mạng xã hội với lời nhắn nhủ “mong con gái của mẹ nỗ lực hơn nữa để đạt được ước mơ của mình”, nhưng thực chất đó là ước mơ của mẹ em chứ không phải của em.

Vừa vào lớp 1, mẹ em đã định hướng phải đỗ vào lớp 6 Trường chuyên Hà Nội -Amsterdam, vào được trường đó rồi thì phải cố gắng học để đỗ tiếp vào chuyên Anh của trường chuyên ngữ, rồi thì mẹ đặt mục tiêu em phải giành được học bổng toàn phần của một trường ĐH danh tiếng ở Mỹ... Thế nên, từ nhỏ tới lớn, em cứ quay cuồng học để thực hiện ước mơ của mẹ.

Có lúc quá mệt mỏi em nói như van xin mẹ là con học ĐH trong nước cũng được, con không muốn xa nhà… liền bị mẹ em “lên lớp” là sống không có hoài bão, phấn đấu. Mẹ em không bao giờ cần biết đến chuyện em có lúc nào thư giãn không, có bạn bè hay không. Học ngày học đêm, học cả ngày nghỉ cuối tuần khiến em không có lấy một người bạn đúng nghĩa. Có lần, em đăng ký tham gia câu lạc bộ dancesport của trường mà mẹ em đến gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm xin rút vì quan điểm tuổi này việc học là quan trọng nhất đối với cháu, sau này thành đạt rồi thì muốn giải trí thế nào cũng được”.

Có HS lớp 8 thì nói, từ nhỏ đã bị bố mẹ ép học. Lúc đầu thấy rất hiệu quả khi em luôn dẫn đầu lớp về điểm số nên bố mẹ em thường bảo nhau “ép ăn nhiều quá mới lo bội thực chứ càng học nhiều càng tốt”. Quen với việc luôn dẫn đầu về điểm số nên chỉ cần em 9,5 điểm mà trong lớp có bạn được 10 em cũng bị bố mẹ phê bình, hỏi đi hỏi lại: “Tại sao bạn ấy làm được mà con lại không làm được?”...

Cái gì cũng phải “chuyên nghiệp” !

Có phụ huynh ở Hà Nội, con năm nay học lớp 6 nhưng đã đặt ra yêu cầu với con là học môn gì cũng phải đầu tư như mình sẽ trở thành một người chuyên nghiệp về lĩnh vực ấy trong tương lai. Chị cho con học tiếng Anh ở một tổ chức giáo dục được cho là tốt nhất để phát âm chuẩn. Chị cho con học tiếng Anh tuần 2 buổi ở một giáo viên chuyên luyện vào lớp 10 nổi tiếng nhất của Hà Nội. Mọi việc chưa dừng ở đó vì con chị lại đang học lớp chuyên... toán của trường THCS danh tiếng ở Hà Nội. Mà học chuyên toán thì tất nhiên phải học thêm toán của thầy giáo giỏi nhất trường về môn toán - cũng mỗi tuần 2 buổi.

Chưa hết, là người mẹ hiện đại, đọc sách nhiều nên chị quan niệm con mình phải thành thạo ít nhất một loại nhạc cụ, chị chọn cho con học guitar ở một trường nghệ thuật để được đào tạo bài bản. Vậy là con chị quay cuồng với thời gian biểu mà mẹ đặt ra còn nặng nề hơn nhiều so với thời khóa biểu của trường.

Những chuyện “cười ra nước mắt” ấy không phải là hiếm gặp. Một giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Tiếp xúc với nhiều phụ huynh mới thấy không ít người đặt quá nhiều kỳ vọng và mơ ước mà bản thân mình chưa thực hiện được lên vai con cái. Bất chấp tư vấn của giáo viên về lực học, sức khỏe của con, họ bắt con học đủ thứ. Cô giáo không giao bài tập về nhà vì chủ trương chung là con đã học 2 buổi ở trường thì không có bài tập về nhà nữa. Thế nhưng, phải đến hơn nửa lớp gọi điện, gặp cô để đề nghị cô giao bài tập về nhà riêng cho con họ vì thấy cháu đi học về mà chơi cả buổi tối là họ không yên tâm” (!).

“Mơ ước của em là không phải sống thay phần ước mơ của bố mẹ”

Mới đây, trong một tiết môn giáo dục công dân theo hình thức mới của Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), các HS lớp 11D3 dẫn dắt mọi người vào một trò chơi với thể lệ: Giơ 5 ngón tay, khi gặp câu hỏi đúng với bản thân thì cụp ngón tay lại. Ở những câu hỏi như: Bao nhiêu bạn ở đây phải đi học thêm, phải chịu áp lực vì kỳ vọng của bố mẹ, thiếu thời gian vui chơi, giải trí, từng phải nói dối điểm số với bố mẹ ?..., hầu hết HS tham dự đã cụp hết 5 ngón tay. Có phụ huynh tham gia và chứng kiến đã lặng người vì nhận ra ai là người đang tạo áp lực cho các em.

Các HS còn thực hiện đoạn phim ngắn phỏng vấn ngẫu nhiên HS gặp bên ngoài. Có HS trả lời: “Mơ ước của em chỉ là ngủ một giấc không mộng mị, không phải sống thay phần ước mơ của bố mẹ”. Nhiều HS vỗ tay tán thành “ước  mơ” này vì HS này đang nói hộ suy nghĩ của mình.

Trong dự án Tôi chọn bình yên của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), HS thực hiện đoạn phim ngắn mang tên Giấc mơ chưa ngủ kể về câu chuyện của HS tên Luân. Ngay trong lễ thôi nôi của mình, Luân đã không được làm những việc mình thích. Khi chọn chiếc ô tô, mẹ liền lấy lại và nói: “Con phải chọn cho mẹ quyển sách và cây viết. Mẹ muốn con lớn lên học thật giỏi”. Đến khi đi học, hằng ngày, Luân chỉ đi theo một đường thẳng từ trường về nhà, cậu luôn phải sống cho ước mơ của mẹ. Dần dần, Luân càng trở nên khó tính và hay cáu gắt với mọi người. Đến một ngày, không còn một ai bên cạnh, Luân mới nhận ra mình đã sống không đúng với lứa tuổi của mình. Đoạn phim kết thúc với thông điệp: “Ba mẹ là hậu phương vững chắc cho con. Nhưng hãy để con sống với chính ước mơ của mình”.

Các tin khác