Đa năng, nhiều màu sắc
“Thế mạnh lớn nhất và cũng là thử thách lớn nhất của nghệ sĩ trẻ, Gen Z là được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, âm nhạc khác nhau cả trong nước lẫn thế giới. Điều này giúp nghệ sĩ trẻ nắm bắt, học hỏi nhanh những tinh túy âm nhạc, từ đó hoàn thiện âm nhạc của bản thân trở nên phong phú, hiện đại”, nhạc sĩ - ca sĩ trẻ Thái Đinh bày tỏ như thế khi nói về thế hệ mình.
Thị trường nhạc Việt đang rất đa dạng với hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ mới. Nếu phải chọn mốc thời gian bắt đầu cho sự đa dạng này, có thể tính từ năm 2020. Khán giả đón nhận hàng loạt ca khúc, MV, dự án âm nhạc dài hơi, có ý nghĩa của các nghệ sĩ trẻ, nhất là thế hệ Gen Z. Trong năm 2021, 2022, họ vẫn tràn trề năng lượng sáng tạo trên đường đua V-pop. Hoàng Dũng, K-ICM, Thái Đinh, Đoàn Việt Phương, Phùng Khánh Linh, Wren Evans, Erik, Doãn Hiếu, G Ducky, Jucky San, Hieuthuhai, Hoàng Duyên… và nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc trưởng thành từ Rap Việt, Rock Việt là lực lượng trẻ góp phần tạo nên diện mạo đời sống âm nhạc.
K-ICM là nghệ sĩ trẻ tạo được dấu ấn với chất liệu âm nhạc truyền thống
Quá trình hoàn thiện mình đã tạo nên những nhân tố vừa có thể sáng tác, hòa âm - phối khí vừa trình diễn, đủ khả năng làm chủ cuộc chơi. Sở hữu nhiều ca khúc hit, 2 album 25 và Yên, 2 liveshow trong năm 2020 và 2022, Hoàng Dũng rất được giới trẻ yêu mến. Anh là giọng ca có phong cách riêng dễ nhận diện. Đặc biệt, hầu hết các ca khúc đều do Hoàng Dũng sáng tác, hát. Anh chắt lọc chất liệu âm nhạc gần gũi, đời thường mà vẫn thể hiện được hoài bão, truyền năng lượng tích cực đến giới trẻ.
Đây cũng là điều tương đồng của Hoàng Dũng với Thái Đinh, Võ Việt Phương, Doãn Hiếu. Các nữ ca sĩ như Phùng Khánh Linh, Kim Kunni cũng có thể sáng tác và hát hay. Riêng Kim Kunni, nữ nghệ sĩ Việt đầu tiên đầu quân công ty giải trí, hãng đĩa quốc tế Sony Music Entertainment, với thế mạnh ngoại ngữ, tư duy âm nhạc hiện đại cùng sự hỗ trợ chuyên nghiệp, cô được kỳ vọng trở thành một trong những nghệ sĩ Gen Z thành công ở sân chơi âm nhạc quốc tế.
Tư duy khác biệt
Tạm biệt nhé/ Cha đi rồi sẽ quay trở về/ Mùa này nơi ấy/ Lắm giông bão con ơi… Ở đây cha tha thiết nhớ/ Nhưng mặt đất gầm vang/ Gió đưa cha về trời. Nếu biết rằng, lời ca này trong Tạm biệt, cha đi tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh do sạt lở ở Trạm kiểm lâm 67 (Thừa Thiên - Huế) năm 2020 do nhạc sĩ - ca sĩ trẻ sinh năm 2003 là Võ Việt Phương sáng tác và hát, hẳn nhiều người thấy… khó tin.
Thời điểm sáng tác, Võ Việt Phương mới 17 tuổi, sống ở TPHCM, chưa từng đến các vùng nghèo khó của miền Trung, nhưng bằng trái tim đa cảm, anh đã viết nên ca khúc nhân văn đầy sẻ chia. Rồi sau đó, anh được biết đến nhiều hơn khi sáng tác Rồi trăm năm ta gặp lại, Những ngày phố ốm động viên người dân trong dịch bệnh…
Các nghệ sĩ trẻ đang được chú ý
Võ Việt Phương tự biết âm nhạc mà anh chọn khó có thể tạo nên những cơn “chấn động” với người nghe phổ thông trẻ tuổi, vì các ca khúc đó cần thời gian để chiêm nghiệm… Nói như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trong một lần chia sẻ với báo chí, âm nhạc của Võ Việt Phương mang tính thời đại - nhân văn, nó chỉ đổi thay trừ khi những cám dỗ showbiz làm anh thay đổi và thỏa hiệp như nhiều nghệ sĩ trẻ khác. Võ Việt Phương bày tỏ, anh đang bước đi trên con đường nghệ thuật vốn không dễ dàng, anh chấp nhận thử thách, với tư duy khác biệt, mong muốn đem đến sản phẩm ý nghĩa.
Số lượng của các nghệ sĩ Gen Z ngày càng tăng, nhưng để tìm ra nghệ sĩ có màu sắc khác biệt không dễ. Nhà sản xuất âm nhạc K-ICM (Nguyễn Bảo Khánh, sinh năm 1999) là một trong những nghệ sĩ trẻ tạo được dấu ấn. Bên cạnh việc chinh phục những chất liệu âm nhạc hiện đại, anh chọn chất liệu truyền thống để khai phá. Đây là lựa chọn hay nhưng không kém phần thử thách, bởi chất liệu dân tộc có thể tạo bản sắc riêng, đủ tầm vóc chạm tới khán giả quốc tế nhưng trong thời gian ngắn, chưa chắc chạm đến số đông khán giả trẻ.
Trong năm 2022, K-ICM khẳng định tài năng qua album Hoa, có sự tham gia của Phương Thanh, Văn Mai Hương, Trung Quân… K-ICM chia sẻ, không tính toán chuyện sản phẩm đạt được thành tích gì, doanh thu bao nhiêu, chỉ mong khán giả thấy màu sắc âm nhạc Việt Nam đẹp thế nào.
Trước đây, thế hệ nghệ sĩ như Tùng Dương, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hoàng Thùy Linh… làm nên bản sắc thị trường nhạc Việt, thì đặc biệt trong 2022, nghệ sĩ Gen Z trở thành “làn gió mới”. Sắc màu Gen Z không phải là khoác lên những bộ đồ hàng hiệu, tung MV đắt tiền, có ê kíp rầm rộ đằng sau mà là tư duy âm nhạc mới, vừa quan tâm đến xu hướng, vừa biết cách thể hiện sắc nét tiếng nói cá nhân thông qua âm nhạc.
Năm 2022, dự án E.P Gen Z và Trịnh “làm mới” các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được thực hiện qua giọng hát của nghệ sĩ Gen Z là Hoàng Dũng, Mỹ Anh, Juky San, Hoàng Duyên, Obito. Để lại sau lưng những mặc định không phải ai cũng hát được, các nghệ sĩ Gen Z vẫn hát nhạc Trịnh như một cách dấn thân của người trẻ, dám tô vẽ gam màu mới từ miền ca khúc cũ. Các nghệ sĩ không tránh khỏi lo sợ so sánh, chê bai... nhưng vượt trên cả, họ muốn mang đến điều mới mẻ về thứ âm nhạc đã đi cùng thời gian, để thế hệ trẻ như họ đã yêu càng yêu hơn.