Mỗi năm người Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội khác nhau. Có không ít lễ hội mang tính hình thức khá hời hợt, thậm chí có những lễ hội nông cạn và tốn kém. Thế nhưng, có bỏ đi vài ngàn lễ hội, chắc chắn người Việt Nam đều muốn giữ lại Lễ hội Đền Hùng, bởi đó là dịp giỗ tổ bái vọng vong linh các bậc tiền nhân hun đúc nòi giống Lạc Hồng.
Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Sỹ Liên viết: “Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”. 18 đời vua Hùng từ Kinh Dương Vương đến Hùng Duệ Vương đã đặt nền móng cơ bản và vững chắc để dân tộc ta trường tồn và thịnh vượng đến hôm nay.
Dẫu được bao bọc bởi truyền thuyết hay được chứng minh bằng hiện vật cổ kính, các bậc vua Hùng cũng đã trở thành một phần tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống người Việt Nam. Trải qua dài rộng năm tháng thăng trầm, quốc hiệu đã thay đổi nhiều lần, biên cương lắm phen sóng gió, người Việt Nam vẫn hướng về đất tổ Phong Châu mà vững chí, mà bền lòng. Không thể nói khác hơn, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm luôn phát ra những tiếng gọi thân thương nhất, trìu mến nhất để người Việt Nam nghĩ về nhau bằng nghĩa đồng bào trong hơi ấm tổ tiên.
Dân tộc Việt Nam trong quá trình giữ nước và dựng nước đã phải gánh chịu nhiều mất mát và chia lìa. Những khúc quanh lịch sử trớ trêu đã tạo ra những rạn nứt và đắng cay. Hận thù không thể xóa nhòa cách ngăn, nước mắt không thể kết nối trùng phùng, chỉ có tình cảm chung một dòng máu cội nguồn mới giúp người Việt Nam ở những vị trí khác nhau, ở những tư thế khác nhau và ở những phương trời khác nhau có thể hội tụ chan hòa để tha thứ và tin cậy lẫn nhau.
“Dù ai đi ngược về xuôi…”, câu ca dao ấy không chỉ nhắc nhở mà dần trở thành mệnh lệnh cho hàng chục triệu người Việt Nam cùng đoàn kết vì một tương lai non sông thời hội nhập tươi sáng hơn. Ngày Giỗ Tổ, hương khói không chỉ thắp lên kính cẩn ở Đền Hùng Phú Thọ mà còn được thắp lên thanh thản trong lòng mỗi người Việt Nam dẫu nhọc nhằn vừa xong buổi cày, dẫu lấm láp vừa tan phiên chợ.
Hãy hình dung thêm, ở đâu đó rất xa, phía bên kia Thái Bình Dương mù khơi hay phía bên kia Đại Tây Dương xanh thẳm, những người Việt Nam tha hương đang sống giữa những màu da khác, những ngôn ngữ lạ lẫm, bất chợt nhìn tờ lịch “nhớ ngày Giỗ Tồ mồng mười tháng ba” chắc chắn họ sẽ nghe được từ sâu kín trái tim mình òa vỡ một tiếng sóng sông Hồng, một giọng hò xứ Nghệ hoặc một điệu lý miệt thứ bình yên.