An Giang - Miền đất hứa thị trường BĐS

(ĐTTCO) - Nói đến An Giang là nhớ đến vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, vùng đất hội tụ nhiều thế mạnh do thiên nhiên ban tặng. Lần trở về này, chúng tôi nhận thấy An Giang thay da đổi thịt rất nhiều, cơ sở hạ tầng khang trang, hàng loạt các khu công nghiệp mọc lên, các hoạt động nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ du lịch cũng phát triển mạnh mẽ.

(ĐTTCO) - Nói đến An Giang là nhớ đến vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, vùng đất hội tụ nhiều thế mạnh do thiên nhiên ban tặng. Lần trở về này, chúng tôi nhận thấy An Giang thay da đổi thịt rất nhiều, cơ sở hạ tầng khang trang, hàng loạt các khu công nghiệp mọc lên, các hoạt động nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ du lịch cũng phát triển mạnh mẽ.

Nơi hội tụ nhiều tiềm năng

An Giang là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, là tỉnh có dân số đông nhất và diện tích đứng thứ 4 (sau Kiên Giang, Cà Mau và Long An) ở Tây Nam bộ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL.

Với lợi thế sẵn có từ thiên nhiên ưu đãi, các mặt hàng chủ lực của An Giang như lúa - gạo, cá tra, cá basa và rau quả đông lạnh đã phát triển mạnh và có mặt khắp nơi trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt gần 1 tỷ USD. Đối với lĩnh vực du lịch, An Giang là mảnh đất tập trung nhiều giá trị văn hoá và tâm linh người Việt. Tỉnh đã và đang khẩn trương đầu tư các khu di tích văn hóa - lịch sử Núi Sam, Núi Cấm, đồi Tức Dụp, khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, du lịch sông nước khám phá xuôi ngược dòng Mekong…

Nhờ vậy, An Giang thu hút được lượng lớn du khách. Chỉ tính riêng dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, bình quân mỗi ngày An Giang có trên 20.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng gần 50% so cùng kỳ năm ngoái). 

 TP Long Xuyên (An Giang) là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao ở vùng Tây Nam bộ

TP Long Xuyên (An Giang) là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao ở vùng Tây Nam bộ 

Tốc độ công nghiệp hoá phát triển nhanh chóng với trên 24 Khu công nghiệp (KCN) như: KCN Bình Hòa, KCN Phú Hòa, KCN Tân Châu, Cụm công nghiệp Tri Tôn... thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động; hàng loạt công trình ngàn tỷ xuất hiện, thay đổi diện mạo cho mảnh đất này. An Giang cũng được Trung ương quan tâm phát triển đô thị theo Quyết định 758/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020.

Ở góc độ địa phương, tỉnh An Giang đang gấp rút triển khai điều chỉnh quy hoạch chung và lập quy hoạch các đô thị mới trên địa bàn phù hợp với tính chất, quy mô dân số, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang theo Kế hoạch 122/KH/UBND ngày 31-3-2015, nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm đa dạng hóa thành phần kinh tế - xã hội tham gia đầu tư vào An Giang.      

An Giang “mảnh đất vàng” cho các dự án bất động sản

Ngoài những tiềm năng kể trên, An Giang còn có đường biên giới giáp với Campuchia, là tỉnh nằm trên trục hành lang kinh tế đô thị và cũng là đầu mối giao thương quan trọng của quốc gia và quốc tế. An Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL có 2 thành phố, 2 đô thị loại II trực thuộc tỉnh là Long Xuyên và Châu Đốc. Trong đó, TP Long Xuyên là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh. Đây là đô thị phát triển nhanh và năng động nhất khu vực.

Long Xuyên còn có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như: Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang (vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng), Đài phát thanh - truyền hình tỉnh An Giang… Với cơ sở hạ tầng tốt và đồng bộ, cộng thêm hàng trăm doanh nghiệp rót vốn đầu tư đã làm cho thị trường bất động sản An Giang trở nên sôi động hơn. Chúng tôi có cuộc khảo sát giá sơ bộ tại một số dự án mới đầu tư trong những năm gần đây và không khỏi ngạc nhiên, khi nghe giá bán hiện nay tăng rất nhiều so với những năm trước (xem bảng tham khảo).

Tên dự án  Giá năm 2014 (triệu đồng/m2)    Giá hiện tại (triệu đồng/m2)
 1. Khu Đại học và Bệnh viện An Giang   7-8  20-24
  2. Khu dân cư Tiến Đạt (Công ty Tiến Đạt)   8-12  25-30
 3. Trục chính và trung tâm chợ Khu Sao Mai Bình Khánh 5 (Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai)   11-13  20-26

Ngoài ra, vào thời điểm trung tuần tháng 9-2016, dự án Golden City (Công ty Đông Á) sẽ mở bán, tuy chưa có thông báo giá chính thức nhưng theo dự đoán của chúng tôi giá bán sẽ không dưới 20 triệu đồng/m2. Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 năm trở lại đây, giá đất trên địa bàn TP Long Xuyên đã tăng hơn 100%. Mặc dù giá tăng cao nhưng sức mua ở các dự án này không giảm mà còn tăng hơn trước.

Rõ ràng với đà tăng trưởng như hiện nay sẽ mang đến lợi nhuận “khủng” cho những doanh nghiệp đầu tư bất động sản trên địa bàn An Giang, nhất là những doanh nghiệp đã có sẵn quỹ đất sạch với giá thành thấp.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Vĩnh Thành - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group). Đây là doanh nghiệp bất động sản đứng đầu tỉnh An Giang và ĐBSCL, là đơn vị tiên phong đầu tư dự án bất động sản theo phân khúc phân lô bán nền, có thể coi là thành công và hiệu quả nhất đến thời điểm này của An Giang.

Ông Thành chia sẻ: “Đất tăng giá theo giá trị thực của nó, đi đôi với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đô thị hoá cũng như nhu cầu thực tế của người dân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các doanh nghiệp, họ muốn tìm cho mình nơi ở tiện nghi, hiện đại; môi trường trong sạch; có đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và là nơi kinh doanh tốt”.

Bằng việc kinh doanh thực tế ở đơn vị mình, ông Trương Vĩnh Thành cho biết thêm: “Doanh thu bất động sản của Sao Mai 6 tháng đầu năm 2016 tăng gần 70% so cùng kỳ năm 2015 (211 tỷ đồng so với 125 tỷ đồng) và lợi nhuận gộp tăng đến 116% (132 tỷ đồng so với 60 tỷ đồng). Ngoài ra, ông Thành còn “bật mí” thêm về tình hình bán nền trong tháng 7, tháng 8 năm 2016 của Sao Mai Group cũng tăng mạnh, với kết quả đạt được của tháng 7 và 8, tin chắc lợi nhuận quý 3-2016 sẽ có nhiều đột biến”.

 

Theo tình hình này, tương lai lĩnh vực bất động sản An Giang sẽ là một thỏi nam châm thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Dựa vào chính sách chủ đầu tư tự thỏa thuận đền bù với người bị giải tỏa thì để thực hiện được dự án các doanh nghiệp tự nâng giá đất bồi thường tăng cao. Ông Thành cho biết: “Khi giá đất tăng cao như thế thì Sao Mai không hề bị ảnh hưởng, trái lại còn được hưởng lợi nhiều nhất bởi giá đất đền bù tăng, để có lợi nhuận bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán theo. Hiện tại, Sao Mai có trên 19 dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó, có 12 dự án đã và đang được khai thác bán nền với quỹ đất sạch hơn 100 hecta, là doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn nhất của tỉnh. Vì vậy, với tiềm lực sẵn có cộng thêm kinh nghiệm đầu tư lâu năm, sự tin tưởng hết lòng của khách hàng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh, trong thời gian tới Sao Mai còn nhiều bức phá trong lĩnh vực này”.

Về tầm nhìn, lĩnh vực bất động sản An Giang trong năm 2016 sẽ nối tiếp sự hồi phục mạnh mẽ của năm 2015. Tương lai đây sẽ là “miền đất đầy hứa hẹn”, đủ sức hấp dẫn để các tập đoàn kinh tế tìm đến và rót tiền đầu tư. Nếu doanh nghiệp “bắt mạch” đúng với nhu cầu của thị trường, nắm được đặc điểm và tiềm năng phát triển của tỉnh thì trong thời gian không xa, bất động sản sẽ là ngành “hot” và mang lại hiệu quả nhiều nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào An Giang.      

Các tin khác