Ăn không ngon, ngủ không yên vì quản lý bất cập

“Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm… đang có chiều hướng ngày càng lan rộng, trong khi quản lý nhà nước hiện nay không có giải pháp ngăn chặn kịp thời”.

“Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm… đang có chiều hướng ngày càng lan rộng, trong khi quản lý nhà nước hiện nay không có giải pháp ngăn chặn kịp thời”.

 

Đây là đánh giá của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TPHCM. Cùng với vấn đề bất cập trong quản lý quy hoạch đô thị, câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được nhiều đại biểu mổ xẻ trong buổi thảo luận tổ chiều cùng ngày.

Một loại rau “tắm” 3-4 loại hóa chất

Đồng chí Nguyễn Hoàng Năng dẫn ra tình trạng một loại rau quả nhưng tồn dư đến 3-4 loại hóa chất bảo quản, bảo vệ thực vật. Nguy cơ đau bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư tăng nhanh có nguyên nhân chính do ăn uống thực phẩm không an toàn. Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư ước tính, nước ta có khoảng 200.000 ca mắc bệnh ung thư mới, điều này cần suy nghĩ! Không chỉ các khu vực buôn bán, xen kẽ trong các khu dân cư mà kể cả một số chợ truyền thống vấn đề an toàn thực phẩm đang bị thả nổi.

Đại biểu (ĐB) Văn Đức Mười nhận định, năm nào TPHCM cũng đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu với những chiến dịch ngăn chặn và tuyên truyền rầm rộ, nhưng suy cho cùng vẫn còn loay hoay.

ĐB Văn Đức Mười đề xuất xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm và cho rằng đây là vi phạm hình sự. 

Có cùng bức xúc, ĐB Võ Văn Sen cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm TP làm chưa đến nơi đến chốn, không thành công, nếu không nói là thất bại về quản lý trong công tác này. Mỗi ngày có 3.000 - 5.000 tấn rau vào TP, không thể biết được bao nhiêu rau an toàn. Đây là một trong những điểm yếu nhất, thất bại nhiều nhất trong công tác quản lý nhà nước, vì TP nói nhiều nhưng vệ sinh an toàn thực phẩm lại giậm chân tại chỗ. “Với một TP trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch mà ăn không sạch thì du khách cũng chạy xa. Nếu cơ quan chức năng không đồng ý thì đưa số liệu ra chứng minh”, ĐB Võ Văn Sen đề nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, để xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt thì “cái ăn, cái uống của người dân là quan trọng nhất”. Mong rằng chính quyền TP tăng cường công tác quản lý, chế tài nghiêm minh đối với các doanh nghiệp kinh doanh những thực phẩm không an toàn. ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy đề nghị HĐND TPHCM đưa nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm vào nghị quyết kỳ họp và thực hiện giám sát thường xuyên. Chỉ có khi làm quyết liệt như vậy mới mong có sự chuyển biến đối với vấn đề này.

Quy hoạch bất cập kéo dài, ai chịu trách nhiệm?

Tại phiên thảo luận tổ, vấn đề quy hoạch cũng được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng phòng Dân nguyện HĐND TP, cho rằng, công tác quy hoạch được cho là một trong vấn đề bức xúc nhất của cử tri hiện nay. Năm 2016 và những năm tiếp theo, thành phố cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ở địa bàn nào người dân cũng “kêu” về quy hoạch, cụ thể là không nắm rõ thông tin quy hoạch đến đâu, chừng nào xóa “treo”.

Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn nhiều ở hầu hết địa bàn các quận, huyện. Nhiều khu vực công bố quy hoạch nhưng thực tế người dân phản ánh chưa hợp lý nhưng không thấy điều chỉnh. Hay việc công khai quy hoạch chưa sâu, khó nắm bắt được thông tin quy hoạch đã được phản ánh nhiều lần trong các kỳ họp nhưng tới nay nhiều địa phương chưa chấn chỉnh, chưa thực sự công khai đến người dân. Người dân cần biết quy hoạch nhà mình là quy hoạch gì, lộ giới bao nhiêu, công bố điều chỉnh hàng năm ra sao… không biết hỏi ai… 

Theo báo cáo của UBND TPHCM, đến nay trong số 283 đồ án quy hoạch đã có 210 đồ án được phê duyệt. Hiện còn 19 dự án chưa được đánh giá, rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. ĐB Nguyễn Tấn Tuyến trích dẫn số liệu về một loạt đồ án quy hoạch dù đã được phê duyệt, đã có chủ đầu tư dự án nhưng nhiều năm không thực hiện, không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. “Vấn đề này đã được nói trong Nghị quyết 16 của HĐND TP cách nay hơn 3 năm rồi và trong các kỳ họp HĐND, đại biểu đã chất vấn, lãnh đạo các sở ngành đã đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh, tại sao tới nay kết quả vẫn không được bao nhiêu, dân vẫn bức xúc về quy hoạch?” - ĐB  Nguyễn Tấn Tuyến đặt vấn đề.

* Đại diện sở ngành chức năng, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho biết, tới đây sở sẽ triển khai công bố quy hoạch đến tận tổ dân phố, đồng thời sử dụng mạng thông tin để phổ biến quy hoạch đến người dân trên toàn địa bàn TP (hiện đã thực hiện tại các quận 1, 4 và 10). Khi đó, vấn đề thông tin quy hoạch và công khai dự án đầu tư trên các khu vực quy hoạch người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn.

Các tin khác