An toàn cơ sở dệt may Bangladesh?

Gần 1 năm sau khi tai nạn sập nhà máy ở Bangladesh giết chết hơn 1.100 công nhân, đội ngũ kỹ sư được tài trợ bởi các nhà bán lẻ phương Tây đang tiến hành thanh tra một cách chặt chẽ ngành công nghiệp dệt may Bangladesh. Đã có cơ sở bị đóng cửa tạm thời vì vi phạm an toàn.

Gần 1 năm sau khi tai nạn sập nhà máy ở Bangladesh giết chết hơn 1.100 công nhân, đội ngũ kỹ sư được tài trợ bởi các nhà bán lẻ phương Tây đang tiến hành thanh tra một cách chặt chẽ ngành công nghiệp dệt may Bangladesh. Đã có cơ sở bị đóng cửa tạm thời vì vi phạm an toàn.

Ngày 11-3, báo cáo thanh tra 10 nhà máy đầu tiên được công bố đã phơi bày tình trạng lao động tồi tệ và nguy hiểm, khiến dư luận phẫn nộ. Những ảnh chụp cho thấy có những nhà máy thiếu cửa kháng cháy thích hợp, không có hệ thống phun nước chữa cháy bắt buộc và một số tầng bị võng xuống vì chất hàng quá nặng.

Việc thanh tra được tổ chức thông qua chương trình của Bangladesh Accord Foundation, một nhóm gồm 150 thương hiệu quần áo và bán lẻ từ hơn 20 quốc gia. Chương trình quy tụ 38 đội kỹ sư quốc tế làm việc cùng với các kỹ sư và kỹ thuật viên Bangladesh, sẽ thanh tra 250 nhà máy mỗi tháng trên các phương diện lửa, điện và kết cấu, với kế hoạch thanh tra 1.500 nhà máy cho tới đầu tháng 9.

Báo cáo vừa được công bố là kết quả của các cuộc kiểm tra trong tháng 11 và 12, đã phát hiện sự thiếu vắng hệ thống báo cháy, trong lúc mạng dây điện cần phải được bao bọc và bảo trì tốt hơn, nhưng dù sao tình trạng cũng chưa tới mức nghiêm trọng như ở nhà máy Rana Plaza (đã bị sập năm ngoái). “Các báo cáo thanh tra thể hiện mức độ chi tiết chưa từng thấy và thiết lập một tiêu chuẩn mới về tính minh bạch và độ tin cậy” - Tổng thư ký Jyrki Raina của Liên đoàn Lao động IndustriALL Global Union phát biểu.

Vi phạm tiêu biểu là tại nhà máy Dragon Sweater ở Dhaka. Các thanh tra đã phát hiện những vấn đề an toàn cháy nổ nghiêm trọng. Các phòng chứa máy phát điện và lò hơi cũng như các khu vực kho lưu trữ không được cách ly với khu vực sản xuất bằng vật liệu xây dựng chống cháy.

Nhà máy có tới 18 tầng nhưng các cầu thang thoát hiểm lại dẫn vào những khu vực được sử dụng làm kho hàng, cầu thang thoát hiểm chính không dẫn ra ngoài mà vẫn loanh quanh trong tòa nhà. Chưa hết, có những dấu vết cho thấy các cửa thoát hiểm bị khóa thường xuyên, mặc dù chúng đã được mở ra khi đoàn thanh tra tới. Tòa nhà cũng không có hệ thống phun nước chữa cháy tự động, các thanh rầm, xà nhà bị cong, nứt.

Một xưởng may ở Bangladesh.

Một xưởng may ở Bangladesh.

Theo trang web của Dragon Sweater, khách hàng của họ bao gồm những tên tuổi lớn Walmart, C&A và Sainsbury’s. Riêng Walmart đã thuê Bureau Veritas, một công ty giám sát nổi bật, tiến hành kiểm tra Dragon Sweater và hơn 200 nhà máy khác mà Walmart có quan hệ ở Bangladesh.

Đợt kiểm tra tháng 4 năm ngoái đã phê Dragon Sweater loại C (tồi tệ thứ nhì trong thang xếp hạng của Walmart) về an toàn điện và an toàn xây dựng, sau đó, đánh giá trong tháng 7 đã xếp loại B về an toàn điện và loại C về an toàn xây dựng. Softex, nhà cung cấp áo len cho Auchan (Pháp), đã tạm thời đóng cửa vì thanh tra phát hiện những vấn đề nghiêm trọng trong kết cấu tòa nhà, khiến hơn 3.000 công nhân không có lương. Các nhà máy khác, như Viyellatex, Fashion Island, Grammeen Knitwear, Rio Fashion Wear đều có những vi phạm tương tự.

Giám đốc điều hành chương trình thanh tra, Alan Roberts, cho biết báo cáo thanh tra được gửi cho chủ nhà máy, đại diện công nhân và các thương hiệu phương Tây. Người nhận có trách nhiệm đưa ra kế hoạch khắc phục và công bố trên website của chương trình trong vòng 6 tuần, các thương hiệu phương Tây hứa hẹn tài trợ cho những cải tiến cần thiết.

Các tin khác