Dù số lượng doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD quý II chưa nhiều, nhưng qua kết quả công bố sớm cho thấy sự khởi sắc của các doanh nghiệp. Đây là kết quả của những chính sách hợp lý và môi trường kinh doanh đang ngày càng tốt hơn.
![]() |
CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố ước tính KQKD 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu thuần đạt 3.855 tỷ đồng (giảm 22%). Nguyên nhân sụt giảm này do không còn sự đóng góp từ công ty con là CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) và việc PNJ thu hẹp mảng kinh doanh vàng miếng. Riêng đối với mảng vàng trang sức bán lẻ doanh thu tăng 6%.
Mức tăng này nhờ nhu cầu trang sức tại Việt Nam tăng trở lại và công ty đã mở thêm 17 cửa hàng vàng mới trong 6 tháng đầu năm (tăng 10% so với thời điểm cuối 2014), nâng tổng số cửa hàng lên 191. Hiện PNJ đang trong quá trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh với việc giảm tỷ trọng vàng miếng, tập trung phát triển mạnh mặt hàng trang sức cốt lõi. Đây là mặt hàng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của PNJ với 14%.
Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm của PNJ tăng từ 11% lên mức 14% và lợi nhuận gộp ước đạt 529 tỷ đồng (tăng 19%). Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, PNJ đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Sau hàng loạt chính sách cơ cấu lại hệ thống phân phối và chính sách bán hàng, CTCP Traphaco (TRA) đã gặt hái được những con số hết sức ấn tượng. Trong báo cáo KQKD vừa được công bố, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng lần lượt 30% (đạt 930 tỷ đồng) và 33% (đạt 80 tỷ đồng). Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng, chiến lược bán hàng mới giúp TRA có thể kiểm soát tốt hơn hệ thống khách hàng với khoảng 20.000 khách hàng bán lẻ là các nhà thuốc (so với mức 18.000 khách của 2014).
Từ cuối 2013 và trong 2014, do chưa kiểm soát được hoặc kiểm soát chưa tốt các khâu này, hoạt động kinh doanh của TRA đã gặp khá nhiều khó khăn. Với các cải thiện mới, năm 2015 TRA đặt kế hoạch 1.860 tỷ đồng doanh thu (tăng 12,7%) và 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 30,3%).
CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) vừa thông báo ước tính KQKD 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu 3.151 tỷ đồng (tăng 3%), lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ đồng (tăng 44%). Có được kết quả mỹ mãn này do DCM nhận được “ưu ái” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho doanh nghiệp mới thành lập.
Theo đó, PVN sẽ đảm bảo về giá khí cho DCM trong vòng 4 năm sau khi cổ phần hóa (2015-2018). Cuối tháng 6 vừa qua, DCM vừa điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 giảm 2% và 4% so với kế hoạch đã đề ra tại ĐHCĐ 2015 đầu năm nay. Với kế hoạch điều chỉnh mới, EPS 2015 ước đạt 1.546 đồng/CP, tương đương P/E 2015 ở mức 8,5x (thấp hơn trung bình ngành).
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân bón ure trong nước có khả năng tiếp tục giảm cùng xu thế với giá ure thế giới trong thời gian tới (trước khi có thể hồi phục vào 2017-2018 trở đi), cộng với áp lực thoái vốn từ PVN thì DCM sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Bù lại, DCM ghi nhận điểm cộng với NĐT với mức cổ tức 2015 bằng tiền mặt là 800 đồng/CP, tương ứng tỷ suất cổ tức 6%.
CTCP Ô tô TMT (TMT) vừa công bố báo cáo sơ toán KQKD 6 tháng đầu năm 2015, với doanh thu tăng đến 317,4% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 1.936,7 tỷ đồng), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của TMT tăng mạnh 637% (đạt 181,1 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng 567% (đạt 142,9 tỷ đồng). Chính kết quả ấn tượng này đã giúp TMT hoàn thành 95% kế hoạch cả năm 2015 chỉ sau nửa năm hoạt động. Tại ĐHCĐ trước đó, TMT công bố kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 ở mức 3.804 tỷ đồng (tăng 2,9 lần) và 150 tỷ đồng (tăng 2,4 lần).
Đặc biệt, TMT còn đặt mục tiêu tiêu thụ 7.892 chiếc xe (tăng 2,7 lần), kế hoạch này là phù hợp với tình hình tiêu thụ ô tô đang gia tăng mạnh. Với việc TMT hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm sau khi kết thúc quý II, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ vượt rất xa kế hoạch này.