Ngay sau phiên xác định mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), APH đã tăng kịch trần lên mức 49.800 đồng/CP, nâng vốn hóa đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tương đương 281 triệu USD và chính thức trở thành CP ngành nhựa có vốn hóa lớn nhất trên TTCK. Mức vốn hóa này tương đương vốn hóa của 2 CP ngành nhựa là BMP và NTP cộng lại.
APH hiện là công ty mẹ sở hữu trực tiếp 2 công ty đang niêm yết trên HOSE là CTCP Nhựa An Phát (AAA) và CTCP Nhựa Hà Nội (NHH). Bên cạnh đó, APH còn sở hữu gián tiếp hơn 10 công ty đang niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX.
Theo ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc APH, việc niêm yết CP trên HOSE sẽ tạo điều kiện cho tập đoàn mở rộng cơ hội thu hút NĐT và huy động vốn xây dựng nhà máy nguyên liệu AnBio. Dự án sẽ góp phần nâng cao vị thế của APH khi lọt vào danh sách những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn trên thế giới, bên cạnh những tập đoàn hàng đầu thế giới như BASF, Novamont, NatureWorks hay Total Corbion.
Cũng theo ông Cường, AnBio sẽ giúp cho APH giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 30% cho các công ty con, trong khi công ty mẹ vẫn giữ biên lợi nhuận gộp từ 25-30%. Mục tiêu của APH tới năm 2023, các sản phẩm nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn này sẽ đóng góp từ 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì.
Theo báo cáo tài chính 2019, APH ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 9.513 tỷ đồng và 712 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 19% và 305%. Tổng tài sản đạt 10.000 tỷ đồng, EPS cuối quý II-2020 đạt 3.076 đồng/CP. Năm 2020, APH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm 12.000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng.