Theo Bangkok Post, bà Auramon Supthaweethum, Tổng giám đốc Cơ quan Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết, trọng tâm của các cuộc đàm phán sẽ là các FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và một FTA chung với Australia, New Zealand. “Ví dụ, FTA ASEAN - Trung Quốc sẽ tập trung cải thiện khả năng tiếp cận thị trường để cho phép nhiều sản phẩm hơn được giảm thuế,” bà Auramon nói và cho biết thêm, 500 mặt hàng đang chờ đàm phán chủ yếu nằm trong danh sách nhạy cảm. Cụ thể, ASEAN và Trung Quốc sẽ đàm phán nhằm giảm thuế cho các mặt hàng trong danh sách nhạy cảm xuống 0% từ mức 0-5% hiện nay.
Đối với FTA ASEAN - Ấn Độ, bà Auramon cho biết, các cuộc đàm phán sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng hơn. Hiện tại việc cắt giảm thuế quan bao gồm 79% tổng số mặt hàng. Sản phẩm mục tiêu bao gồm dầu cọ, cao su, thực phẩm, phụ tùng ô tô và hóa dầu. Ấn Độ đã ký FTA với khối vào năm 2009, có hiệu lực từ năm 2010. Theo bà Auramon, các cuộc đàm phán với Hàn Quốc trong khuôn khổ ASEAN sẽ đặt trọng tâm vào các mặt hàng như gạo, đường tinh luyện, bột sắn và trái cây.
Các cuộc đàm phán FTA với Australia và New Zealand sẽ tập trung chủ yếu vào thương mại điện tử, đấu thầu, thủ tục hải quan, dịch vụ tài chính, viễn thông, nhà hàng - khách sạn, vì thuế quan đối với hàng hóa đã được giảm xuống bằng 0.
Hiện ASEAN có FTA với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Công. Hầu hết các thành viên ASEAN là những nước tham gia Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các FTA đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Australia - New Zealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019.
Ngoài ra, FTA giữa ASEAN với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU - bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) cũng đang thành hiện thực. Năm 2018, thương mại hai chiều giữa EAEU và ASEAN đạt khoảng 23,15 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2017), trong đó Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Indonesia là những nước có quan hệ thương mại chính với EAEU.
Riêng với Việt Nam, kim ngạch thương mại của EAEU đạt mức 6,1 tỷ USD vào năm 2018, tăng 103% so với năm 2016. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev kêu gọi nỗ lực chung với ASEAN để giải quyết tình trạng độc quyền của các công ty công nghệ cao để cho phép một cuộc cạnh tranh lành mạnh và giới thiệu những ý tưởng đầy triển vọng mới. Trong khi đó, ASEAN và Ủy ban Kinh tế Á - Âu, cơ quan chính của EAEU, đã ký một Thỏa thuận ghi nhớ (MoU) về hợp tác kinh tế vào tháng 11-2018. Theo đó, hai bên sẽ tập trung đàm phán về thủ tục hải quan, thương mại điện tử, quy định kỹ thuật, thương mại, đầu tư - tài chính; hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ; ASEAN cũng đang xem xét khả năng một FTA đầy đủ với EAEU.