Chiều 22-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TPHCM tổ chức giao ban trực tuyến với 22 quận huyện, TP Thủ Đức về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM là 687 ca, tăng 78 ca so với 2 tuần trước, trung bình 98 ca mắc mới/ngày.
Tính đến ngày 20-9, có 202 ca đang điều trị tại bệnh viện, trung bình 198 ca điều trị/ngày (trong đó có 73 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp). Hiện có 14 ca thở máy, 1 ca lọc máu. Trong 8 tuần gần đây, qua lấy mẫu giám sát biến chủng BA.5 chiếm ưu thế, hiện chưa phát hiện biến thể BA.2.74 tại TPHCM.
Về tình hình sốt xuất huyết, sau nhiều tuần giảm, hiện số ca mắc đã có xu hướng tăng trở lại. Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 56.870 ca (tăng 564,8% so với cùng kỳ năm 2021), ghi nhận 23 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tại các quận huyện đều tăng cao và nguy cơ bùng phát dịch là tương đương nhau.
Về kết quả tiêm chủng mở rộng, đến nay, Thành phố mới chỉ đạt 77,6% (thiếu 17,9% so với chỉ tiêu cần đạt 95%), tất cả 22 quận huyện, TP Thủ Đức đều không đạt chỉ tiêu 95%.
“Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 đối với các mũi 3, 4 (nhóm từ 18 tuổi trở lên), mũi 3 (nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi) và mũi 1, 2 (nhóm 5 dưới 12 tuổi) vẫn còn thấp, tổng mũi tiêm trong tháng cao điểm đều giảm dần, ngành y tế đề xuất xem xét đưa chỉ tiêu tiêm vaccine Covid-19 vào tiêu chí thi đua đối với UBND quận huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở giáo dục”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Cũng theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Bộ Y tế vừa có văn bản điều chuyển 11.000 liều vaccine Pfizer cho người lớn từ Đồng Nai, chậm nhất chiều 23-9 vaccine này sẽ về đến TPHCM. Đối với vaccine Moderna cho hơn 46.000 trẻ tiêm mũi 2 vẫn chưa có. Hiện trên thế giới chưa có hướng dẫn tiêm vaccine thay thế cho trẻ em, Sở Y tế TPHCM đã gửi công văn báo cáo và xin ý kiến Bộ Y tế và chờ ý kiến chỉ đạo.
Thông tin về việc rau chợ phù phép thành rau sạch VietGAP đưa vào siêu thị và việc giả mạo nấm Trung Quốc đưa vào chuỗi hệ thống Bách hóa Xanh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, bản chất của vấn đề là gian lận thương mại, giả thương hiệu. Hiện Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thành lập đoàn kiểm tra có sự tham gia của Sở Công thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm.
“Báo chí viết loạt bài điều tra và đăng ngay, không báo cho cơ quan quản lý nên vụ việc được đưa lên truyền thông thì họ đã dọn dẹp hết rồi. Để xác định rau đó có an toàn hay không an toàn thì lại không có cơ sở”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định và cho biết, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã và đang có chuyên đề kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, của thực phẩm đặc biệt là của nông sản tại các siêu thị.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, không phải cứ thực phẩm siêu thị là đảm bảo an toàn 100%, không phải cứ sản phẩm ở chợ là không tốt. Thực phẩm sạch hay không sạch phải được trả lời bằng kết quả kiểm nghiệm. Tuy nhiên theo điều kiện về quản lý an toàn thực phẩm thì điều kiện quản lý về chất lượng tại siêu thị dễ theo dõi hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các quận huyện cần phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm xây dựng các chợ thí điểm an toàn thực phẩm, trong đó vấn đề nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm là hết sức quan trọng. Đối với nông sản thực phẩm thì gặp khó khăn bởi nhìn thì như nhau, nếu có phân biệt bằng giấy tờ, kiểm nghiệm, phân biệt bằng bao bì nhưng cũng dễ tráo đổi. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát và rất cần ý thức của doanh nghiệp.
“Vụ việc rau "chợ" thành rau sạch đưa vào siêu thị chủ yếu là gian lận thương mại, giả thương hiệu còn để kết luận rau đó “dởm” hay “không sạch” thì chúng ta không có căn cứ. Hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm đang chờ kết luận của đoàn kiểm tra để quy trách nhiệm”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.