Sự tin tưởng tuyệt vời
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, vẫn nhớ rất rõ bệnh nhân Hsu Tse Sheng (73 tuổi, tỷ phú người Đài Loan) đã được các bác sĩ bệnh viện cứu sống hồi cuối năm 2018. Trong khi đi du lịch ở vịnh Hạ Long, tỷ phú Hsu Tse Sheng đột ngột bị đau ngực dữ dội, khó thở, sốc nên được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh. Nhưng vì diễn biến nặng vượt quá khả năng của tuyến tỉnh, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.
Tại đây qua chụp chiếu, xét nghiệm trên các thiết bị hiện đại, bác sĩ bệnh viện phát hiện bệnh nhân bị vỡ phình quai động mạch chủ màng phổi trái, suy đa tạng, rối loạn đông máu rất nặng, có rất nhiều ổ loét đang tạo thành túi phình, có khả năng sắp vỡ... Tỷ lệ sống của bệnh nhân chỉ còn 10%.
Để cứu sống bệnh nhân, các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức quyết định thực hiện phương pháp Hybrid là phương pháp điều trị rất khó, buộc các bác sĩ phải cùng lúc vừa phẫu thuật vừa can thiệp đặt stent động mạch chủ với hy vọng “còn nước còn tát”.
Cuối cùng, sau hơn 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho bệnh nhân và gần 1 tháng sau đó, tỷ phú Hsu Tse Sheng khỏe mạnh được ra viện. Cảm kích trước trình độ, tấm lòng của bác sĩ Việt Nam, ông Hsu Tse Sheng khi trở về Đài Loan đã ủng hộ 100.000USD để Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ đào tạo bác sĩ về lĩnh vực tim mạch tại Đài Loan.
Với trình độ chuyên môn tốt, chất lượng điều trị cao, trang thiết bị hiện đại,
nhiều bệnh viện của Việt Nam đã thu hút được bệnh nhân nước ngoài.
nhiều bệnh viện của Việt Nam đã thu hút được bệnh nhân nước ngoài.
Mới đây, Đại sứ Qatar tại Việt Nam cũng quyết định lựa chọn Bệnh viện Việt Đức làm nơi phẫu thuật cho bệnh sỏi túi mật và nang thận của mình. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật, chia sẻ: “Ông ấy là quan chức ngoại giao của một đất nước giàu có nên dễ dàng lựa chọn các bệnh viện nổi tiếng trên thế giới để phẫu thuật, nhưng ông ấy đã quyết định chọn Bệnh viện Việt Đức vì đã tìm hiều rất kỹ và tin tưởng...”.
GS.TS Trần Bình Giang cũng cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2-2019, Bệnh viện Việt Đức đã được phái đoàn Mỹ lựa chọn là nơi chăm sóc y tế cho các thành viên khi cần thiết. Vào đầu tháng 11-2019, các bác sĩ của bệnh viện cũng đã cứu sống một bệnh nhân Nhật Bản (65 tuổi, giáo viên giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam) bị tai nạn giao thông chấn thương ngực kín, gãy xương đòn trái, đặc biệt còn có tiền sử bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, gout và đại tràng.
“Giữ vàng” không dễ
“Giữ vàng” không dễ
Hiện đang tồn tại một nghịch lý, trong khi mỗi năm nước ta có gần 40.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí tới hơn 2 tỷ USD, thì tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế... lại đang hút mạnh bệnh nhân ngoại quốc. Thậm chí, nhiều bệnh nhân đang ở các nước có nền y tế tiên tiến cũng đã chọn Việt Nam làm nơi điều trị, chăm sóc sức khỏe cho mình.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thống kê trong năm 2019 có khoảng 300.000 bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe tại các bệnh viện Việt Nam và 57.000 người được điều trị, tăng 50% so với 5 năm trước. Những dịch vụ y tế được số đông người nước ngoài lựa chọn là nha khoa, can thiệp tim mạch, phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị vô sinh hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản và một số bệnh cần can thiệp ngoại khoa.
Bệnh nhân người nước ngoài chữa bệnh tại Việt Nam cũng khá đa dạng, ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ... Họ lựa chọn bác sĩ Việt Nam không chỉ vì chất lượng điều trị tốt, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, còn do giá thành điều trị rất rẻ. Thí dụ, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương 50-60%, Bệnh viện Từ Dũ 65%, chi phí khoảng 100 triệu đồng, trong khi ở nước ngoài mỗi ca như vậy có giá 20.000-30.000USD.
Mặc dù lượng người nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đang tăng lên với nhiều tín hiệu tích cực, nhưng để thu hút được nhiều hơn nữa người nước ngoài tìm đến và quay trở lại Việt Nam khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, là thách thức không nhỏ. Một số chuyên gia y tế cho biết, thực tế sau khi được cấp cứu qua cơn nguy hiểm, nhiều bệnh nhân ngoại thường rời khỏi Việt Nam sang nước khác điều trị vì các bệnh viện trong nước chưa chấp nhận bảo hiểm y tế nước ngoài.
Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng của nhiều bệnh viện công ở nước ta thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế mang tính toàn diện, trong khi các bệnh nhân nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển đòi hỏi về các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn rất cao.
Công tác tuyên truyền chưa tốt nên nhiều người nước ngoài làm ở các văn phòng đại diện, hay khách du lịch gặp tai nạn ở nước ta, thường yêu cầu S.O.S quốc tế để chuyển sang các nước khác, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể điều trị được. Tại những bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng… cũng đã triển khai khám chữa bệnh cho người nước ngoài nhưng chưa có tính hệ thống và chuyên nghiệp.