Cả triệu người dân từ những vùng quê tới các đô thị đã tạo dựng cuộc sống như thế nào, trước nhiều cơ hội lẫn thách thức? Và các đô thị đối diện với những áp lực gì?
Lao động nhập cư là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống giao thông ở TPHCM thường xuyên quá tải. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Bội thu”chất xám
Tốt nghiệp cao đẳng, chị Nguyễn Thị Lương (34 tuổi, quê Thái Nguyên) đi làm và học tiếp đại học, vẫn gắn bó với Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV). Cùng gia đình chọn TPHCM là nơi gắn bó, lập nghiệp, chị Lương bày tỏ, không sinh ra ở TP nhưng chị luôn tự hào là người dân TP và thấy mình có một tình yêu với vùng đất này. Bản thân chị luôn muốn đóng góp cho TPHCM, bằng cách góp sức cho công ty, làm tốt công việc của mình. 13 năm gắn bó với Cầu Tre, chị Lương liên tục có các sáng kiến làm lợi. Từ một nhân viên, nay chị Lương là Phó trưởng xưởng của công ty.
Rất nhiều người đã có cơ hội, đã trưởng thành, đã đóng góp cho TPHCM như chị Lương. Họ ở mọi miền đất nước đến TPHCM sinh sống, học tập, làm việc. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết mỗi năm TPHCM “bội thu” hơn 100.000 sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP “trụ” lại TPHCM kiếm việc. Vì thế, TP dễ dàng chọn lọc được lao động giỏi, có trình độ cho việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cao của địa phương. TPHCM hiện nay có 1,2 triệu người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên và đây là nguồn tài nguyên quan trọng của TP.
Cũng giống như TPHCM, hiện nay thủ đô Hà Nội có tốc độ gia tăng dân số nhanh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, tốc độ tăng dân số trung bình ở Hà Nội là trên 200.000 người/năm, trong đó 70% là tăng dân số cơ học. Tác động tích cực của người nhập cư ngoại tỉnh vào TP Hà Nội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô tuy chưa đo đếm được chính xác nhưng giữ vai trò không nhỏ.
Tổng cục Thống kê đánh giá, di cư là yếu tố cần thiết cho phát triển kinh tế, luồng di cư nông thôn - thành thị đóng góp đáng kể vào quá trình đô thị hóa và người di cư chủ yếu là thanh niên đã giúp cho lực lượng lao động ở đô thị được bổ sung và trẻ hóa. Đặc biệt, người di cư thường có mặt bằng trình độ chuyên môn cao hơn người tại chỗ, đã giúp cho nơi họ đến có thêm lực lượng lao động chất lượng. 31,7% người di cư là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 23% là người có trình độ cao đẳng, đại học, trong khi tỷ lệ này ở người không di cư là 24,5% và 17%.
Tiết kiệm và thiệt thòi
Cơ hội ở đô thị có nhiều, song không phải ai cũng có cơ hội tốt, có điều kiện làm việc, điều kiện sống tốt, nhất là đối với lao động phổ thông, không tay nghề, trình độ. Chọn mưu sinh ở TPHCM, vợ chồng anh Trương Hùng Sim và Nguyễn Thị Bé chấp nhận phải gửi hai con cho ngoại ở Bến Tre. Công việc thợ hồ bấp bênh, anh chị phải chi tiêu rất tằn tiện lấy tiền gửi về quê cho con. Vất vả hơn vợ chồng anh Sim, anh Nguyễn Văn Thành phải một mình chạy xe ôm và cơm nước nuôi vợ bệnh, con nhỏ. Không gửi con về quê, cả gia đình anh Thành cùng ở trọ trong một căn phòng rộng 12m² trên đường Phó Đức Chính (quận 1, TPHCM). Song không có hộ khẩu, anh chị phải gửi con học lớp 1 ở một trường tư thục trong phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) với tiền học hàng tháng lên tới 4,5 triệu đồng. Anh Thành có dáng người gầy kham khổ như chiếc xe Honda cũ không yếm anh đang dùng làm cần câu cơm. Xe không đủ tiêu chuẩn để đăng ký chạy Grab hay Uber, khách đi xe ôm truyền thống giảm, anh Thành quay quắt với con số làm sao mỗi tháng phải chạy được ít nhất 10 triệu đồng để trang trải tiền nhà trọ, tiền học, tiền thuốc thang cho vợ và các chi phí khác của cả gia đình.
Gia đình anh Thành di cư do môi trường, đi khỏi vùng ruộng mặn phèn chua ở Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Song tới đô thị, anh Thành gặp ngay một khó khăn khác. Sự tác động tiềm ẩn của khoa học công nghệ với người yếu thế, không trình độ, không kỹ năng như anh - mà mọi khi anh Thành nghe xa xôi đâu đó và không hiểu, nay đã hiện hữu tác động trực tiếp, qua sự ế ẩm của loại xe ôm anh hay chạy. Áp lực cơm áo mỗi ngày đè lên anh nặng hơn và anh bủn rủn cả người nếu mỗi ngày không kiếm được 350.000 đồng để nuôi cả gia đình trong ngày. 6 năm ở TPHCM, anh Thành chia sẻ, nếu ở quê Tầm Vu anh có đất, ruộng không bị ngập mặn và có việc làm thu nhập chỉ cần bằng một nửa ở TP, gia đình anh sẽ ở quê chứ không muốn ở trọ chật chội nơi đô thị.
Lên Hà Nội, chị Lê Thị Duyên (quê Yên Mỹ, Hưng Yên) và 2 người phụ nữ khác làm thợ gánh thuê ở chợ Long Biên cùng chung nhau thuê một căn phòng để vừa một chiếc giường và còn một lối đi nhỏ. Chị ăn dè hà tiện, bởi “ăn ngon thì… hết tiền”. Dè sẻn vậy, chị Duyên mới để được 1 - 2 triệu đồng/tháng. Nghĩ về những năm tháng tuổi già phía trước, không làm lụng được nữa trong khi không có tích lũy, chị Duyên chỉ mong “con cái sau này hiếu thảo, chứ nó hư thì chết dở, chỉ còn cách ra đường ăn mày”. Với bản thân mình, chị chỉ muốn khi trăm tuổi sẽ “đau một giây, chết một giờ”, không ốm đau dài ngày làm phiền ai, không tốn kém tiền của.
Đa số người lao động di cư làm ở khu vực phi chính thức, thường phải đảm nhận các công việc nặng nhọc. Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam, nhận xét hầu hết người di cư làm việc với mức lương thấp và một bộ phận lớn không có hợp đồng lao động. Đối với nhóm lao động phi chính thức thì hơn 50% là không có việc làm ổn định, đặc biệt là người bán hàng rong, mức thu nhập cơ bản của họ chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu.
Quá tải
Tại quận Bình Tân - nơi có tỷ lệ người dân nhập cư cao nhất TPHCM và cao hơn cả số người dân thường trú, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận, cho hay quận có hơn 731.000 người, thì người nhập cư chiếm hơn 58%. Tăng dân số cơ học (2%) đang gấp đôi so với tăng tự nhiên (1%) hàng năm. Ông Đỗ Đình Thiện chia sẻ, dân số cơ học tăng quá nhanh, nhiều trường học phải chuyển từ bán trú sang 1 buổi, lấy chỗ cho học sinh, thành ra lại chưa đảm bảo tăng số lớp học 2 buổi/ngày theo quy định. “Từ nay đến năm 2020, mỗi năm quận phải xây 400 phòng học, tức hơn 10 trường học. Mỗi trường “ngốn” khoảng 100 tỷ đồng, căng lắm! Nếu theo đủ chuẩn về sĩ số, quận phải xây thêm 70 trường nữa”, ông Thiện trăn trở.
Theo UBND TPHCM, trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm TP tăng 220.000 người, gần bằng số dân một quận. Nhiều quận, huyện có từ 30% - 50% dân số là người nhập cư. Mỗi năm TPHCM xây mới 13 trường học với 1.525 phòng học, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 1,6%. Tuy nhiên, số học sinh phổ thông tăng bình quân là 3,3% - gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trường; dẫn đến tình trạng quá tải trường học vẫn tái diễn. Dân số gia tăng cao liên tục, mật độ dân số ở TPHCM đang gấp 15 - 20 lần cả nước. Bình quân một cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước phục vụ 287 người dân, trong khi con số này của cả nước là 187.
Hiện nay, mật độ đường giao thông quá thấp - 1,98km/km², nếu tiến độ xây dựng đường giao thông ở TP như 12 năm qua thì cần đến… 160 năm mới đạt quy chuẩn 10km/km²! Mỗi năm, số lượt bệnh nhân khám và điều trị ở TPHCM tăng 1,12 triệu lượt, trong đó 50% người bệnh từ các địa phương khác. 20 năm qua, TP đã đầu tư xây mới 76 bệnh viện, tăng số giường bệnh thêm 25.513 giường, song câu chuyện quá tải bệnh viện vẫn chưa có hồi kết. Trước làn sóng di cư, TPHCM cũng phải đối mặt với nhiều ẩn số và phức tạp về tệ nạn, tội phạm, hơn 60% người nghiện ma túy được phát hiện ở TPHCM là người từ các tỉnh, thành khác.
Tương tự như TPHCM, Thủ đô Hà Nội cũng đối diện với làn sóng di cư và chịu nhiều áp lực liên quan. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phân tích, TP Hà Nội có 5,2 triệu xe máy, gần 490.000 ô tô. Nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị, thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống giao thông đường bộ (trong trung tâm là 3,72 lần).
Ở chật chội, ít tiếp cận các hoạt động cộng đồng Theo Tổng cục Thống kê, hơn một nửa số người di cư phải ở nhà thuê mượn và 18,4% sống trong những căn nhà rất nhỏ, dưới 6m². Mức chi cho ăn uống thường ngày chiếm hết 33,4% thu nhập của người di cư, chi cho các nhu cầu sống tối thiểu khác như sức khỏe, học hành… chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp - 10,7%. Do đó, người di cư không còn lựa chọn nào khác là giảm đến mức thấp nhất các chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân và gia đình. Đồng thời, tăng ca để có thêm thu nhập. Ưu tiên của người di cư là việc làm và ổn định cuộc sống. Họ ít tiếp cận với các hoạt động cộng đồng. Tại Hà Nội, chỉ có 5,7% người di cư tham gia các hoạt động đoàn thể. Tại TPHCM, 9% người di cư có tham gia các đoàn thể. Người di cư thường bị loại ra khỏi các chương trình giảm nghèo và vay vốn, tạo việc làm. |