Ngày đầu tiên đến Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi “choáng”. Phòng thành thị miền Nam, nơi tôi làm việc ở tầng hai phía bên tay trái của khu nhà 58 Quán Sứ. Đón tôi là những tên tuổi lớn đã từng nghe những bài viết của họ trên sóng phát thanh. Đó là bác Nguyễn Đức Chánh, người miền Nam, với bút danh Trung Ngôn, phụ trách mục “Câu chuyện châm biếm” với những bài viết sâu sắc mà dí dỏm về thời cuộc.
Đó là anh Phan Đắc Lộc, cũng là người miền Nam với bút danh Viễn Kính, phụ trách mục “Theo dòng thời cuộc”, nhanh nhẹn và sâu sắc về những vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra hàng ngày. Và những nhà báo đã thành danh như Phan Đắc Lập, Trúc Thông, Đào Xuân Tân, Nguyễn Kim Trạch…
Quả thật dẫu có đam mê văn chương với báo chí đến bao nhiêu đi nữa, so với những tên tuổi lớn mà lần đầu tiên được gặp mặt, tôi cũng chỉ là một anh trai trẻ lần đầu tiên “chạm cửa” nhà đài. “Choáng” và cả e ngại nữa. Tôi tự hỏi liệu mình có làm nổi công việc mới mẻ này không? Nhưng rồi tôi đã kịp trấn tĩnh và kịp an ủi mình, thôi thì “đã đâm lao thì phải theo lao”. Có thế nào, để sau rồi tính tiếp…
Ông Mai Thúc Long tiếp tôi trong phòng làm việc riêng. Một căn phòng nhỏ nằm phía trong căn phòng lớn dành chung cho các nhà báo của Phòng thành thị miền Nam. Ông Long người thấp nhỏ, nói giọng miền Trung nhưng dễ nghe. Ông tiếp tôi niềm nở và chân tình.
Có lẽ cũng là người từng trải và đoán biết tâm trạng e dè của chàng lính mới, ông đưa đẩy câu chuyện động viên, hướng dẫn tôi cần phải làm gì trong thời gian đầu nhập cuộc. Ông giới thiệu khái quát về nhiệm vụ của Ban miền Nam nói chung và của Phòng thành thị miền Nam nói riêng, nơi tôi sẽ làm việc.
Rồi ông đưa cho tôi một tập tài liệu cũ và bảo: “Đây là những tờ báo xuất bản trong vùng địch tạm chiếm ở Sài Gòn. Cũ rồi. Nhưng cậu cầm lấy và đọc đi. Cậu sẽ tìm hiểu tình hình về các đô thị miền Nam, đặc biệt là về các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi thống nhất đất nước của đồng bào ta ở đó. Mình tin là qua những trang báo này cậu sẽ có những hiểu biết đầu tiên về tình hình miền Nam. Đó cũng là những trang bị cần thiết cho công việc của cậu sau này. Thế nhé. Có gì khó khăn cứ trao đổi lại với mình…”.
Tôi cầm chồng báo cũ về bàn làm việc. Đó là những tờ báo xuất bản ở Sài Gòn như: Đại dân tộc, Dân chủ, Điện tín, Chính luận, Sóng thần… Các anh trong phòng nói với tôi rằng, những tờ báo này đã phải đi qua những con đường vòng, theo đường Trường Sơn hoặc thậm chí là từ nước ngoài gửi về để đến được tay chúng tôi. Vì thế, tất cả những tờ báo cũ, thậm chí không còn được nguyên vẹn.
Tôi bắt đầu công việc “vào rừng”. Nhưng chỉ lướt qua được vài trang tôi đã thấy lạ lẫm vì những tin tức lần đầu tiên tôi mới được đọc. Ngày ấy, thông tin giữa 2 miền Nam-Bắc chẳng dễ gì đến được với những người bình thường như chúng tôi. Không có báo để đọc đã đành, ngay đến cả cái đài để nghe cũng không dễ gì ai cũng có. Thậm chí, người ta còn cấm nghe đài địch cơ!
Một hôm, sau vài ngày đọc báo Sài Gòn, tôi chợt nhận ra rằng nếu cứ cặm cụi đọc báo cũ thế này thì chỉ vài hôm nữa, những tờ báo phòng tôi nhận được hôm nay sẽ trở nên cũ đối với tôi. Và như thế, chẳng lẽ tôi cứ phải “đuổi theo” tin tức cũ mãi sao? Bởi vậy, thay những tờ báo cũ, tôi đã mượn những tờ báo mới nhất để tìm hiểu tình hình.
Và tôi đã tìm thấy trong những số báo mới ấy có những bài viết về phong trào đòi dân sinh, dân chủ của Nghiệp đoàn xích-lô Sài Gòn. Tôi tập hợp những tư liệu ấy và lần dở những số báo cũ hơn để sưu tầm thêm những bài viết về chủ đề này. Tôi quyết định mạnh dạn viết bài bình luận về phong trào đấu tranh của anh em Nghiệp đoàn xích-lô Sài Gòn. Bài báo đầu tiên tôi viết sao mà vất vả thế. Gạch rồi xóa be bét, viết đi viết lại.
Rồi bài báo đầu tiên cũng hoàn thành và tôi phải chép lại cho thật sạch sẽ. Sung sướng quá. Lúc đó tôi như muốn hét lên trong đêm tĩnh lặng rằng: “Tôi đã viết được bài báo rồi, tôi đã trở thành một nhà báo rồi…”, nhưng rồi cũng phải tự kìm nén niềm vui ấy lại. Vì ở trong nhà, vợ và con tôi đang ngon giấc.
Lúc ấy bỗng thấy thèm một hơi thuốc lá, cũng là để tự thưởng cho mình sau thành công đầu tiên. Lục tìm gói thuốc lá vụn của Nhà máy thuốc lá Thăng Long được gói bằng giấy xi-măng: hết sạch. Lật tìm dưới gầm bàn, gầm ghế, may mà nhặt được mấy cái đầu mẩu mà tôi đã hút trong khi viết bài rồi vứt bỏ.
Tôi bóc cái đầu mẩu thuốc đã hút ấy lấy vài sợi thuốc lá còn sót lại và tãi ra tờ báo cũ rồi lấy mẩu giấy báo cuốn lại thành điếu thuốc. Tôi rít lấy, rít để những hơi thuốc lá mà tự vui, tự thưởng cho mình sau bài báo đầu tiên vừa viết.
Viết xong bài báo đầu tiên, cũng phải đắn đo mãi tôi mới dám đem vào phòng của Trưởng ban. Tôi trình bày sự việc tôi đã làm trong những ngày đầu nhập phòng và cuối cùng trình bày bài viết đầu tiên của mình để xin ý kiến Trưởng ban.
Ngày hôm sau, ông Mai Thúc Long cho gọi tôi vào phòng của ông. Tôi hồi hộp chờ đợi những nhận xét, đánh giá của Trưởng ban. Nhưng ông Long chỉ nhận xét ngắn gọn: “Bước đầu cậu làm việc như thế là được. Nhưng nhớ là phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bài viết của cậu mình đã sửa chữa rồi đây. Đem đi đánh máy rồi mình sẽ bố trí cho phát sóng”.
Tôi bước ra khỏi phòng Trưởng ban mà không giấu nổi niềm vui. Trở về bàn làm việc, lật giở bàn làm việc của mình tôi thấy sếp đã gạch sửa chữa be bét hết cả. Thậm chí có những đoạn tôi phải đọc đi đọc lại mới nhận ra những chữ ông đã tẩy xóa và bổ sung.
Tôi đưa bản thảo xuống phòng đánh máy ở dưới tầng một mà lòng cứ lâng lâng. Vậy là tôi đã có bài viết đầu tiên được phát trên sóng của Chương trình Thành thị miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó cũng là bài viết đầu tiên trong sự nghiệp làm báo của tôi.
Nhà báo Đình Khải tên đầy đủ là Nguyễn Đình Khải, sinh năm 1943 tại Phú Thọ. Ông từng là Phó Trưởng ban Thời sự Chính trị tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Khán giả biết nhiều đến ông khi ông là bình luận viên bóng đá hàng đầu trên sóng phát thanh, thế nhưng không nhiều người biết công việc chính của ông lại là một phóng viên thời sự, và ông cũng chính là phóng viên đầu tiên của VOV được tháp tùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trong các chuyến công tác.