Bãi Xàu (thuộc thị trấn Mỹ Xuyên) cách TP Sóc Trăng 5km về hướng Đông Bắc, từng là một vùng đất cổ xưa. Tuy nhiên những vết tích của một thương cảng sầm uất, nức tiếng Lục tỉnh ngày trước nay quả khó tìm. Nhưng nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, sẽ lại có một “Thương cảng Bãi Xàu" mới cho vùng đất này?
Ông Tư Bình người cố cựu ở đây nói rằng gần chợ Bảo - chỗ công xi nấu rượu nếp và nhà máy xay lúa của ông hội đồng Diệp Văn Giáp còn một nền đất lớn, đó là nền cái kho bạc cũ gọi là Khléang (Srok Khléang - tiếng Khmer), hình như thành ra tên tỉnh "Sóc Trăng” hiện nay...
Bãi Xàu là nơi phát tích rất sớm tiềm năng kinh tế, văn hóa của Ba Xuyên xưa - Sóc Trăng nay. Ngược về giữa thế kỷ 18, Nam bộ xuất hiện nhiều trung tâm thương mại và giao dịch với bên ngoài nổi tiếng như cù lao Phố (tức Nông Nại đại phố ở Biên Hòa), thương cảng Sài Gòn (tức Chợ Lớn ngày nay), thương cảng Hà Tiên, phố chợ Mỹ Tho... nơi đây cũng vang danh thương cảng Bãi Xàu không hề thua sút.
Theo nhật ký của cố đạo Lavavasseur (1769), thương cảng Bãi Xàu hình thành nơi sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu mang tên Bassac nằm bên mé sông, đất thấp và nhà cửa lợp lá dừa nước.
Phần lớn người Hoa làm nghề buôn bán. Cửa sông cạn nên ghe lớn vào ăn hàng phải chờ nước lên mới vào tận cảng. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo...
Nhờ hạt gạo mà danh tiếng Bãi Xàu vang xa. Giới kinh doanh thuở đó đánh giá nơi đây cao hơn, xôm tụ hơn nơi khác do loại gạo Bãi Xàu dài, nhỏ, mềm, khách rất chuộng.
Đồng thời, thương gia người Hoa đã trực tiếp thu mua và bán thẳng lúa gạo ở đây cho các ghe buôn từ nước ngoài đến. Có lúc, thuyền buôn của người Trung Hoa vào đậu san sát hơn trăm chiếc để mua gạo và đường...
Khu triển lãm “Cây lúa Việt Nam” hấp dẫn khách tham quan. Ảnh: T.N. |
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, con sông nằm cặp chợ Mỹ Xuyên, vẫn còn được sử dụng là phương tiện lưu thông chính để mua bán, vận chuyển lúa gạo ở miền Tây. Có gạo phải cần chành (kho chứa).
Cứ nhìn chành hoạt động là biết ngành thương mại gạo ở đó ra sao. Làm “chủ chành” là người dày dạn kinh nghiệm thương trường. Chành mua lúa, kể cả lúa non và làm tín dụng nhỏ, nhà máy xay gắn với hệ thống làm ăn ở Sài Gòn - Chợ Lớn, gắn với thương nhân ở chợ.
Chành phải có điểm giao nhận ở miền Tây và Sài Gòn, có kho tạm tương ứng hoặc liên doanh làm kho tạm, có đội xe tải, có người nhận hoặc phát hàng... Tại khu vực này lúc bấy giờ có nhiều nhà máy xay lúa, xưởng cưa, công xi rượu, chợ búa, phố chợ, làng nghề... rất sầm uất,
Ông Lưu Kiến Minh, người từng làm việc trong hệ thống hỗ trợ tài chính cho các chành ở Bãi Xàu, nói: “Chành lúa gạo ở Sóc Trăng, Bãi Xàu phát triển trước và mạnh hơn Cái Răng (Cần Thơ), vì có quan hệ tốt với ngân hàng và chành của vua lúa gạo Mã Hý.
Ông Huỳnh Yến Chiền, người Hoa gốc địa phương làm đại lý chuyên mua bán gạo cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu lúa gạo cho tổng đại lý xuất khẩu lúa gạo trên Sài Gòn của con cháu ông Mã Hý điều hành. Chành Chiền cùng chành của Quách Liên Kiều, Mã Phước… tạo nên tên tuổi Sóc Trăng trong ngành “làm gạo” cả miền Nam thuở đó.
“Bây giờ Mỹ Xuyên có ba thế mạnh là tôm, cá, lúa. Dân ăn nên làm ra, tỷ phú nổi lên khá nhiều” - Đại tá Ba Tân của Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết. Vùng căn cứ cách mạng ở xã Hòa Tú và Gia Hòa nay đã có hệ thống giao thông, dịch vụ đều khắp. Gạo thơm ST là sự tiếp nối ngoạn mục của gạo Bãi Xàu xưa.
Ở xã Viên Bình (Mỹ Xuyên) có 6 anh em nhà họ Trần với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ lúa thơm giống ST. Mô hình “một vụ lúa, một vụ tôm” hiện diện khắp các cánh đồng và màu xanh của lúa sẽ phủ tràn Mỹ Xuyên. Năm 2011, huyện Mỹ Xuyên được Tỉnh ủy chọn xây dựng huyện nông thôn mới.
Sau xã Hòa Tú 2, đến nay huyện Mỹ Xuyên đã phê duyệt quy hoạch xây dựng thêm 3 xã nông thôn mới gồm: Đại Tâm, Thạnh Quới và Ngọc Tố. 6 xã còn lại, tiếp tục thẩm định trình phê duyệt. Huyện phấn đấu đến năm 2015 có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả xã còn lại đạt 13 tiêu chí. Một “thương cảng Bãi Xàu" mới cho vùng đất này đang hình thành.
“Con đường lúa gạo Việt Nam” “Con đường lúa gạo Việt Nam” dài 1.200m từ ngã ba Trà Men, cửa ngõ tỉnh Sóc Trăng, theo dọc đường Hùng Vương đến Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, nơi diễn ra các hoạt động của Liên hoan Lúa gạo lần II tại Sóc Trăng. Khoảng 47.000 chậu lúa được bố trí, trưng bày trên các dải phân cách theo thứ tự từ lúa còn xanh đến làm đòng, trổ bông và chín. Trước cổng vào Hồ Nước Ngọt là mô hình con thuyền lớn, tượng trưng cho Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nơi đây còn diễn ra một số hoạt động đặc sắc nhằm tái hiện sinh động hình ảnh nền văn minh lúa nước, như khu triển lãm “Vinh danh hạt ngọc Việt” với các mô hình trồng lúa của các vùng miền; các phương pháp canh tác; số liệu, hình ảnh về bản đồ và năng lực, tiềm năng, vị thế lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khu triển lãm “Nông cụ từ thời kỳ khẩn hoang đến thời hiện đại” trưng bày các vật dụng, nông cụ, phương tiện liên quan đến sản xuất lúa gạo, như cày, bừa, cào cỏ, cuốc, gầu guồng tát nước…
|