Ngày 30-5, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 25.900 lượng vàng trong tổng số 26.000 lượng vàng chào bán. Mức giá cao nhất 40,86 triệu đồng/lượng và mức giá thấp nhất 40,84 triệu đồng/lượng.
Qua 24 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung ra thị trường 606.100 lượng vàng, tương đương 23,3 tấn vàng.
Về giá cả thị trường, cập nhật đến 14h ngày 30/5, tại TPHCM, giá vàng SJC mua vào 40,85 triệu đồng/lượng, bán ra 41 triệu đồng/lượng. Còn tại Hà Nội, giá vàng SJC mua vào 40,85 triệu đồng/lượng, bán ra 41,02 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ở mức 1.405,7 USD/oz. Nếu lấy tỷ giá bán USD cùng thời điểm là 21.036 đồng/USD, giá vàng thế giới quy đổi ra là 35,62 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,6 triệu đồng/lượng.
Giải trình về việc giá vàng trong nước vẫn chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới không bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà ở chừng mực nào đó có tác động ngược lại.
Hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng và thị trường vàng trong nước ổn định trước biến động bất thường của giá vàng thế giới, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy góp phần kiềm chế "vàng hóa" nền kinh tế
Thực tế, thị trường vàng hoạt động ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh tới thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.
“Trước đây toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, còn nay thuộc về ngân sách Nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.