Bộ Công an đề xuất chọn phương án 2
Sau nhiều lần bị từ chối, mới đây Cục CSGT (Bộ Công an) một lần nữa lại đề xuất Dự thảo Đề án “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá".
Thông tin đăng tải trên website Cục Cảnh sát giao thông cho biết, theo Đề án, Bộ Công an đang nghiên cứu hai phương án
“Phương án 1 sẽ đảm bảo được công tác quản lý nhà nước đối với biển số xe trúng đấu giá. Tuy nhiên, hiệu quả đấu giá biển số sẽ không cao. Một số ý kiến cho rằng quy định không được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá sẽ không đúng với quyền tài sản”, đại diện Bộ Công an nhận định.
Phương án 2, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp biển số trúng đấu giá. Tức là người sở hữu biển số đó khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác của mình.
“Phương án này giúp công tác đấu giá biển số sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số, cách quản lý biển số trúng đấu giá sẽ khác biệt hoàn toàn với cách quản lý biển số hiện nay”, đánh giá của đại diện Bộ Công an.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Công an đề xuất thực hiện phương án 2 và đề xuất đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định “phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký, gắn biển số trúng đấu giá vào phương tiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với biển số trúng đấu giá; nếu quá thời hạn trên sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá và không được hoàn trả tiền trúng đấu giá”.
Trường hợp biển số trúng đấu giá đã được đăng ký, nếu chủ phương tiện làm thủ tục chuyển nhượng nhưng giữ lại biển số thì phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục giữ lại biển số.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày làm thủ tục giữ lại biển số, biển số trúng đấu giá phải được đăng ký gắn với phương tiện, nếu quá thời hạn sẽ mất quyền đăng ký biển số trúng đấu giá đó.
Khi chưa làm thủ tục đăng ký, người trúng đấu giá chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số xe trúng đấu giá, chưa được cấp biển số. Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật.
Người dân vẫn còn nhiều băn khoăn
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Đức Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, nội dung mà Bộ Công an đề xuất về đấu giá biển số có nhiều điểm khiến ông băn khoăn và chưa rõ ràng.
“Tôi băn khoăn nhất là việc xác định không rõ ràng quyền trong nội dung của đơn vị đề xuất. Thứ nhất, vẫn chưa rõ biển số xe là tài sản độc lập được quyền sở hữu riêng hay chung với xe. Thứ 2 là biển số sau khi được đấu giá trong vòng 6 tháng phải đăng ký, nếu không sẽ bị tước quyền đăng ký là rất vô lý và mâu thuẫn…”, ông Mạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Trần Đức Mạnh cũng đề nghị trong Dự thảo cần phải đưa vào nội dung làm rõ kinh phí thu được từ hoạt động bán đấu giá xe sẽ được thu và sử dụng như thế nào?
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Mỹ Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Có nhiều điểm khiến người dân rất băn khoăn như quy định trong 6 tháng phải đăng ký biển số gắn với phượng tiện sau khi đấu giá, nếu chậm bị tước quyền đăng ký. Trong thời gian 6 tháng, vì nhiều lý do mà người dân có thể chưa có điều kiện sở hữu phương tiện để đăng ký, hoặc có thể cho tặng, sưu tầm, trưng bày biển như tài sản độc lập… Nếu quy định cứng như vậy sẽ rất khó cho người dân”.
Đề án có nhiều điểm “vênh” so với quy định hiện hành
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, nội dung đề xuất đấu giá biển số xe lần này của Cục CSGT, Bộ Công an có nhiều điểm chưa rõ nghĩa, thậm chí là “vênh” so với quy định hiện hành.
Cụ thể, tại Điều 54 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số.
“Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định biển số xe là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý đối với các phương tiện giao thông xe cơ giới, đồng thời xác định quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân đối với phương tiện xe cơ giới (là tài sản của cá nhân, tổ chức)”, Luật sư Bình viện dẫn.
Theo Luật sư Bình, nội dung quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 xác định rõ tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trong đó, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Còn động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
“Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành có thể xác định biển số xe chỉ là công cụ quản lý nhà nước, nó không được xem là tài sản để thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự, hành vi mua, bán biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo Luật sư Bình, Đảng và Nhà nước đã vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc biển số xe được đề xuất đấu giá thì phải vận hành theo cơ chế thị trường. Nghĩa là, trước khi được đấu giá thì phải xác định rõ biển số xe là tài sản độc lập và được mua bán. Phải xác định rõ biển số xe có là tài sản độc lập hay không?
Trên lý thuyết việc đấu giá biển số xe chỉ có thể trở nên thực sự rõ ràng thì cần phải coi biển số như một tài sản độc lập tự thân và không chịu những ràng buộc với tài sản khác (xe) và được quyền lưu thông mua bán tự do trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc quy định đối với các biển kiểm soát phương tiện đã được cấp trước thời điểm bắt đầu thí điểm Đề án cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá thì sẽ không được chuyển nhượng, cho, tặng… là vô lý và vi phạm quyền sở hữu của người dân, vi phạm nguyên tắc luật pháp không có hiệu lực hồi tố Thông Luật, pháp luật dân sự không chỉ điều chỉnh các căn cứ xác lập quyền sở hữu mà quy định về các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu.
Các căn cứ xác lập quyền sở hữu được quy định một cách vô cùng chặt chẽ nhằm giữ gìn và bảo vệ tính bền vững của quan hệ sở hữu, phù hợp với nguyên tắc tôn trọng và bất khả xâm phạm của quyền sở hữu.
“Nội dung trong Đề án đề xuất là trong vòng 6 tháng sau khi đấu giá, người trúng thầu sẽ phải đi đăng ký, nếu không sẽ bị tước quyền đăng ký là bất hợp lý, đi ngược lại cơ chế thị trường, tước đi quyền sở hữu tài sản hợp của người dân. Ngoài ra hiện nay chúng ta quản lý biển số xe theo địa bàn. Vì vậy nếu một người trúng đấu giá ở quận huyện này, giờ chuyển sang quận huyện khác sinh sống và mua xe thì giải quyết như thế nào với biển số ở nơi cũ. Còn nếu coi biển số là tài sản gắn với phương tiện thì vẫn phù hợp với quy định hiện hành. Tức là không được mua bán, đấu giá biển số”, Luật sư Bình phân tích.