Sau một đêm nhọc nhằn mở đường, đến sáng 30-10, tuyến đường liên thôn nối từ quốc lộ 40B dẫn vào nóc Ông Đề đã thông suốt. Các trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn được đưa vào hiện trường.
Theo ghi nhận, khu vực tìm kiếm các nạn nhân mất tích ngổn ngang như một đại công trường; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tập trung đào bới từng viên gạch, phách gỗ tìm kiếm các nạn nhân.
Tại hiện trường, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5, cho hay, công tác tìm kiếm các nạn nhân đang được tổ chức hết sức khẩn trương; trang bị cả máy phát điện và lắp đèn pha để tìm kiếm vào ban đêm. Các cán bộ, chiến sĩ công binh, thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, huyện Bắc Trà My cùng cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân tự vệ và người dân tham gia tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
Hiện bộ đội công binh sử dụng máy cắt bê tông để cắt dọn những mảng bê tông lớn; bộ đội cũng cho bay flycam ở khu vực lòng sông, lòng hồ để tìm kiếm nạn nhân. Tốc độ tìm kiếm đang được đẩy nhanh, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, phương án mới sẽ triển khai là đưa máy bơm nước vào hiện trường để bơm đẩy bùn lầy. Đến tối cùng ngày, trời mưa lớn, công việc tìm kiếm những người bị nạn càng khó khăn.
Để đảm bảo an toàn cho các lực lượng và người dân tham gia, Sở chỉ huy tiền phương đã cho tạm dừng công việc tìm kiếm, các lực lượng được di chuyển về khu vực an toàn để nghỉ ngơi. Ở các triền đồi, người thân luôn túc trực dõi theo, chờ tin với hy vọng sớm tìm thấy cha mẹ, con cháu…
mChiều 30-10, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn, cho biết, theo nhận định, vụ vùi lấp chết 11 người tại xã Phước Lộc không phải là một vụ sạt lở đất mà có thể là một trận lũ quét. Người dân trong thôn đã tìm thấy 5 thi thể. Sạt lở núi cũng cô lập xã Phước Lộc khiến việc tiếp tế lương thực cho gần 2.000 dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện nay chưa có một lực lượng nào tiếp cận được hiện trường dù đã mở đường rừng, lối mòn. Chúng tôi vẫn đang tăng cường lực lượng mở đường để tiếp cận hiện trường. Sắp tới, nếu thời gian tiếp cận hiện trường kéo dài, Quân khu 5 sẽ dùng trực thăng để thả lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm để người dân không bị đói rét…”, ông Quảng thông tin.
Ngoài ra, chính quyền huyện Phước Sơn đã xác định 3 vị trí, nơi có 217 kỹ sư, công nhân thi công thủy điện Đắk Mi 2 bị mắc kẹt. Theo đó, trên thân đập có 165 người, trạm trộn bê tông có 27 người và nhà máy có 25 người. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã làm cáp treo ròng rọc và giải cứu hơn 50 người.
Trong ngày 31-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục đưa công nhân ra ngoài bằng cáp treo ròng rọc.