Châu Âu gồng mình chống bão
Đức đã ban hành mức cảnh báo bão cao thứ hai ở một khu vực rộng lớn của nước này. Dự báo thời tiết cho biết bang Bavaria là một trong những nơi gánh chịu hậu quả lớn của cơn bão này.
Sáng sớm ngày 10-2, đã có 2 người bị thiệt mạng do cây đổ ở thành phố Saarbrücken, bang Saarland. Tốc độ gió 120km/giờ, có lúc lên 150km/giờ khiến nhiều khu vực bị mất điện.
Đến giữa trưa 10-2, sân bay Düsseldorf báo cáo đã hủy hoặc chuyển hướng 111 chuyến bay. Sân bay Cologne và Bonn cũng báo cáo hủy một số chuyến bay. Khoảng 180 chuyến bay khởi hành và đến - chiếm khoảng 15% các chuyến bay theo lịch trình - đã bị hủy tại sân bay Frankfurt. Nhà điều hành đường sắt quốc gia Deutsche Bahn (DB) cho biết họ sẽ hủy các chuyến tàu đường dài trên toàn quốc do bão.
Tại Anh, đã có hơn 200 cảnh báo lũ lụt sau khi mưa lớn khiến một số dòng sông vỡ bờ. Lượng mưa hơn 150mm trút xuống trong khoảng 24 giờ tại công viên quốc gia Lake District phía Tây Bắc nước Anh đã nhấn chìm một khu vực rộng lớn.
Bão Sabine, hay còn gọi là Ciara đến nay đã làm hơn 30.000 ngôi nhà ở Anh và khoảng 10.000 ở Ireland mất điện. Tốc độ gió mạnh nhất được ghi nhận là 150km/giờ tại Bologaron, phía Bắc xứ Wales. Hàng chục chuyến bay đã bị hủy và các công ty đường sắt giảm thời gian hoạt động. Công ty đường sắt quốc gia đã khuyến cáo hành khách không nên đi du lịch bằng tàu hỏa trong thời gian này.
Tại Scotland, 3 người đã bị thương khi một mái nhà quán rượu bị sập.
Tại Pháp, nhà chức trách cảnh báo lũ lụt và thiệt hại do bão ở Tây Bắc nước Pháp. Ở vùng núi Vosges, tốc độ gió lên tới 140km/giờ. Cảng Calais đã bị đóng cửa do nước dâng nguy hiểm.
Tại Hà Lan, người dân địa phương đã được yêu cầu ở nhà, trong khi Hiệp hội Bóng đá quốc gia đã hủy bỏ tất cả các giải đấu chuyên nghiệp. Hãng hàng không KLM hủy hàng chục chuyến bay châu Âu đến và đi từ sân bay Amsterdam.
Viện Khí tượng của Na Uy đã đưa ra một cảnh báo màu vàng cho các vùng phía Nam và phía Đông của nước này. Một số dịch vụ phà từ Na Uy đến Thụy Điển và Đan Mạch đã dừng khai thác và một số con đường bộ đã bị đóng cửa.
Australia: chưa hết cháy rừng lại đến bão lũ
Autsralia ngày 10-2 tuyên bố thảm họa liên quan đến thời tiết do bão và lũ lụt dọc theo bờ biển phía Đông. Đây là thảm họa thứ sáu được tuyên bố trong vòng 5 tháng, qua những trận cháy rừng dữ dội.
Kể từ ngày 5-2, bão đã tràn vào phía Đông Nam bang Queensland, các vùng ven biển của bang New South Wales (NSW) và gây thiệt hại sâu hàng trăm km trong đất liền. Các khu vực ở NSW đang hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm qua sau mưa bão. Bờ biển phía Đông Australia vào cuối tuần qua đã mang theo mưa lớn và gió mạnh đến lưu vực Sydney, nơi có lượng mưa lớn nhất trong vòng 2 thập niên qua. 20.000 cuộc gọi - số lượng kỷ lục - gọi đến Cơ quan Khẩn cấp bang NSW và Sở Cứu hỏa và cứu hộ của bang này.
Nhà cung cấp điện Ausgrid cho biết đây là “một trong những cơn bão phá hỏng lưới điện tồi tệ nhất trong 20 năm qua”, khi mất điện ảnh hưởng đến hơn 200.000 ngôi nhà chỉ riêng ở NSW.
Đến 7 giờ sáng 10-2, các công ty bảo hiểm Australia đã nhận được 10.000 yêu cầu bồi thường trị giá 45 triệu AUD. Dự báo khi điện và viễn thông được khôi phục sẽ có thêm nhiều cuộc gọi yêu cầu bảo hiểm đền bù. Hầu hết các khiếu nại đã đến từ bang Queensland và vùng ven biển bang NSW do thiệt hại tài sản từ bão, lũ lụt, gió mạnh và mưa lớn. Mùa bão ở Autralia kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, nhưng bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào.