Trường Tiểu học xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế bị tốc mái hoàn toàn. Ảnh: VĂN THẮNG
Tại Hà Tĩnh, chiều 15-11, ông Trần Bá Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kỳ Anh, cho biết, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ 6 nhà dân bị tốc mái ở xã Kỳ Thọ và xã Kỳ Lạc. Rất may không có thiệt hại về người. Ngày 15-11, khoảng 300m quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn tổ Hưng Thịnh, thị xã Kỳ Anh) bị ngập hơn nửa mét, chia cắt giao thông. Lực lượng chức năng thị xã Kỳ Anh đã đặt biển cảnh báo và chốt chặn ở hai đầu đoạn đường bị ngập, ngăn phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn; điều tiết các phương tiện di chuyển qua hướng đường tránh 1B.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó hoàn lưu bão số 13 tại tỉnh Hà Tĩnh. Qua kiểm tra công tác vận hành, xả tràn hồ Kẻ Gỗ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của Hà Tĩnh trong công tác ứng phó với bão số 13. Đề nghị Hà Tĩnh tuyệt đối không được chủ quan và tăng cường cảnh giác hơn nữa bởi hoàn lưu bão gây mưa lớn, nước sông lên nhanh có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, sạt lở đất…
Tại Quảng Bình, bão số 13 đã đổ bộ với cường độ gió cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao hơn 3m, mưa lớn trên diện rộng, nhiều nhà dân ở phía Bắc Quảng Bình bị tốc mái. Sau hơn 6 giờ quần thảo (từ 9 giờ đến 15 giờ cùng ngày), bão số 13 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, người dân, chính quyền địa phương đã cảnh giác cao độ, tuân thủ di dời người và tài sản, đồng thời chằng chống nhà cửa kỹ lưỡng nên thiệt hại về người và tài sản giảm thiểu.
Tại Quảng Trị, dọc khu vực bờ biển thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Bão số 13 đã làm 6 người bị thương, hơn 600 nhà dân bị tốc mái, trong đó Hải Lăng có gần 500 nhà, Triệu Phong có 46 nhà, Gio Linh có 49 nhà. Có 55 xã xảy ra các sự cố gián đoạn cung cấp điện. Nhiều tuyến đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, rừng phòng hộ dọc biển có nguy cơ bị xóa sổ, trong đó tuyến bờ biển xã Gio Hải (huyện Gio Linh) tiếp tục bị sạt lở xâm thực vào bờ khoảng 5-10m với chiều dài 5,8km, tuyến bờ biển xã Trung Giang (huyện Gio Linh) bị sạt lở, xâm thực vào bờ trung bình 10m với chiều dài 7,5km.
Bão số 13 làm nhà dân ven biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị sập đổ. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Tại Thừa Thiên - Huế, sau khi bão quét qua, nhiều nhà dân bị tốc mái, cây xanh gãy đổ, trong đó có cây xà cừ trước Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng (đường Lê Duẩn, TP Huế) - nhiều tuổi nhất trong hệ thống cây xanh ở Huế. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, thống kê sơ bộ trên địa bàn, hơn 1.200 nhà bị tốc mái, 3 nhà bị sập; 15 tàu thuyền bị chìm, mắc cạn; nhiều trường bị tốc mái,... Triều cường, sóng lớn khiến bờ biển tại địa phương tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14km. Một số vị trí bờ biển sạt lở nặng, nước biển tràn vào khu dân cư.
Tại Đà Nẵng, từ đêm 14 đến sáng 15-11 có gió giật mạnh. Tại các quận ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu… gió quật rất mạnh, làm nhiều cây xanh gãy đổ. Nhiều tuyến đường ven biển bị sóng đánh hư hỏng.
Tính đến 8 giờ ngày 15-11, Đà Nẵng có 2 nhà sập mái hiên; 3 nhà tốc mái dưới 30% và 1 nhà bị tốc mái nhà bếp; 1 ghe nhỏ chìm, đứt 1 phao bù neo số 27B trong âu thuyền Thọ Quang; khoảng 300m2 nhà màng sản xuất rau (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) tốc mái hoàn toàn và khoảng 3ha rau màu vừa xuống giống bị hư hại...
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 18 giờ tối 15-11, thiệt hại ban đầu do bão số 13 gây ra tại các địa phương bị ảnh hưởng: 18 người bị thương khi chằng chống nhà ở (Quảng Trị: 7 người, Quảng Nam: 3 người, Quảng Bình: 8 người). Về thông tin 1 người chết tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xác minh. Bão số 13 làm 5 nhà tạm bị sập, 1.505 nhà bị tốc mái tại Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị (nhiều nhất là tại Thừa Thiên - Huế). Bão làm 13 tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu. |
Miền Bắc lạnh 120C Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, sau khi bão số 13 đổ bộ đất liền, nhiễu động gió đông đang hoạt động mạnh dần lên ở Bắc bộ và Trung bộ đã tương tác với không khí lạnh cường độ mạnh từ phía Bắc lan xuống phía Nam. Đến chiều 16-11, khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm. Ngày 16-11, Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục lạnh, có nơi trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến là 17-20oC, vùng núi 15-17oC, vùng núi cao có nơi dưới 12oC. |