Mưa lớn, hàng loạt cây xanh ngã đổ
Lúc 22 giờ 30 cùng ngày, tâm bão số 5 ngay trên bờ biển Bình Định - Phú Yên. Trước đó, ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 9, An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, Hoài Nhơn (Bình Định) cấp 9, Quy Nhơn (Bình Định) cấp 9.
Theo Trung tâm Dự báo khí tương thủy văn quốc gia, đến 23 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp. Đến 10 giờ sáng nay 31-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Campuchia.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong khoảng 12 giờ qua phổ biến 150 - 200mm. Tối 30-10, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) mất điện do ảnh hưởng của bão. Ông Đào Mỹ (Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phú Yên) cho biết, mưa đang rất to, gió giật mạnh, cây cối ngã đổ hàng loạt. Những vùng mất điện phải hết bão mới khắc phục được. Mực nước trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đang lên. Mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa có sông lũ lên trên mức báo động 3.
Tại vịnh Quy Nhơn (Bình Định) có 4 tàu hàng (tổng cộng 48 người trên các tàu) đang bị trôi neo khi bão số 5 đổ bộ, nguy cơ va chạm, mắc cạn đang đề nghị được hỗ trợ. Cụ thể, tàu Long Châu (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 5 người), bị trôi neo, va chạm vào bến phao dầu An Phú (trong phao dầu An Phú có khoảng 300 tấn dầu). Tàu Hòa Bình 45 (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 16 người) đang trôi neo trước thủy điện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va, mắc cạn. Tàu Trường Thành 26 (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 8 người) đang trôi neo trước thủy điện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va, mắc cạn. Tàu VSG PRIDE (quốc tịch Panama, trên tàu có 19 người), bị trôi neo, mắc cạn vào mũi Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn).
Trong đêm 30-10, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã dẫn đoàn công tác trực tiếp xuống cảng Quy Nhơn để chỉ đạo, khắc phục sự cố các tàu thủy bị nạn.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trước khi bão đổ bộ, tại huyện Tuy Phước và các xã biển TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định), người dân đã di dời hết tài sản, lương thực, vật nuôi lên trên cao, nơi an toàn; nhiều nhà cửa, lồng bè, hồ nuôi trồng thủy hải sản được người dân chằng néo cẩn thận để chủ động đón bão. Ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ túc trực 24/24 giờ tại 7 xã rốn lũ để hỗ trợ di dời dân trong tình trạng khẩn cấp…”.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, ngay trong sáng 30-10, địa phương đã thành lập 4 đoàn công tác chia làm nhiều hướng đi hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5. Đến 19 giờ cùng ngày, tỉnh đã tiến hành di dời trên 1.000 hộ dân (với khoảng 3.500 nhân khẩu) ở khu vực ven biển, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Trước tình hình mưa to đang diễn ra và khả năng lũ lớn sẽ xuất hiện sau bão, nên ngay khi bão đi qua, tỉnh sẽ tiếp tục di dời khoảng 14.500 hộ dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, đến 19 giờ ngày 30-10, có 2 tàu của ngư dân tỉnh này đang ở trong vùng nguy hiểm. Hiện gia đình và các cơ quan chức năng giữ liên lạc, hướng dẫn 2 tàu này nhanh chóng thoát ra vùng nguy hiểm của bão. Tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 400 gia đình sống ở vùng nguy cơ sạt lở cao ven bờ sông Ba và sông Kỳ Lộ thuộc các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân đến nơi an toàn.
Cũng trong ngày 30-10, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các vùng xung yếu của Bình Định, Phú Yên. Tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên), ông Huy đã trực tiếp kiểm tra việc gia cố lồng bè, công tác đảm bảo an toàn cho người dân trên các lồng nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài. Sở GD-ĐT 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng đã có công văn gửi đến các trường, địa phương cho phép học sinh nghỉ học từ sáng 30-10, đến hết ngày 31-10.
Để đảm bảo an toàn cho hạ lưu, từ sáng 30-10, các hồ chứa tại Khánh Hòa đã tiến hành xả lũ điều tiết lưu lượng nhỏ và vừa. Đến tối 30-10, có 4 hồ trên địa bàn xã lũ. Khánh Hòa cũng đã di dời hơn 1.000 người dân tại các địa điểm xung yếu, trong đó nhiều nhất là các hộ dân sống dưới các chân núi, nơi từng bị sạt lở khiến hơn 20 người thiệt mạng trong đợt mưa cuối tháng 11-2018. Toàn tỉnh có 4.393 bè nuôi thủy sản, với 54.049 lồng nuôi, 4.400 lao động. Đến chiều tối cùng ngày, có 1.100 bè nuôi trồng thủy sản, với 35.000 lồng nuôi tại huyện Vạn Ninh đã được di dời đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, rà soát đánh giá mức độ an toàn của các dự án, công trình xây dựng, đặc biệt là chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình đang thi công.