Có tiền chỉ mới một phần
Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích cấp quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% các di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Nhưng rất nhiều đại biểu không tin chỉ tiêu này sẽ đạt được, còn các nhà khoa học trong lĩnh vực lịch sử, nhân học, khảo cổ, kiến trúc, văn hóa cũng không tin.
Một minh chứng chỉ khoanh vùng khu vực Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính đã có gần 5.924 di tích, trong đó có hơn 2.400 di tích được xếp hạng, còn nếu tính cả miền Bắc thì di tích, di sản lên đến hàng trăm ngàn. Tất cả các di tích này đều trên 100 tuổi, có di tích 200-300 tuổi. Các di tích như chùa, đình, miếu ngày xưa làm bằng gỗ, tường gạch đá ong hay gạch đất nện, vữa là vôi trộn với mật mía, giấy bản…
Qua năm tháng, nhất là khí hậu miền Bắc nóng ẩm, mưa dầm thối đất, nắng như đổ lửa, thì di sản nào cũng bị xuống cấp, gỗ bị mục nát, mối mọt đục rỗng, ngói mủn, tường nứt, nền lún, tường rêu là chuyện thường thấy. Do vậy tất cả đều xuống cấp, hư hỏng cần phải trùng tu gấp.
Nhưng để trùng tu tôn tạo bài bản, đến nơi đến chốn cần một lượng tài chính khổng lồ và thời gian rất dài, chứ không phải chỉ 10 năm là đủ tôn tạo được 80% của 2.542 di tích cấp quốc gia và 100% của 127 di tích đặc biệt. Một thí dụ điển hình là trùng tu nhà thờ Đức Bà ở TPHCM, lúc ban đầu dự tính 6 năm tính từ 2017, nhưng nay có thể phải kéo dài đến 2027, tức 10 năm, kinh phí có thể lên đến gần 200 tỷ đồng, mà đây là kinh phí của giáo dân và các tổ chức tôn giáo quyên góp.
Trong lịch sử, số tiền lớn nhất Nhà nước bỏ ra tôn tạo là nhà hát lớn Hà Nội, với kinh phí 156 tỷ đồng, còn những dự án trùng tu lớn chủ yếu từ tài trợ của UNESCO và các tổ chức nước ngoài. Đơn cử với hơn 8 triệu USD cho việc trùng tu đại nội Huế, hay tới đây chính phủ Pháp sẽ tài trợ cho việc trùng tu cầu Long Biên.
Do vậy số tiền Bộ VH-TT-DL dự tính dành ra cho 10 năm trùng tu chắc chắn không đủ. Mà giả sử ngay khi Nhà nước có đủ tài chính cho công tác tu bổ, tôn tạo cũng không thể hoàn thành được chỉ tiêu, bởi chương trình này phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ pháp lý, nhân sự đến khí hậu thời tiết.
Nỗi khổ của di tích và cộng đồng nơi có di tích
Chỉ trừ một số rất ít di tích cấp quốc gia do Bộ VH-TT-DL quản lý, còn đại đa số chúng nằm trên địa bàn một số tỉnh thành, huyện xã nào đó. Đình, chùa, nhà thờ tồn tại được là do ở trong cộng đồng làng xã và người dân bảo vệ, tôn tạo, nuôi sống những di tích này không phải chỉ bằng vật chất mà cả tâm linh. Và thực sự các đình, chùa, miếu sẽ không là gì nếu nơi đó không có lễ hội, không có người dân đến thăm viếng, chăm sóc hàng ngày.
Do vậy khi một di tích xuống cấp, ảnh hưởng ngay đến đời sống tâm linh của người dân địa phương. Người dân sẽ không có nơi làm lễ nếu di tích đó trong tình trạng bị lún, sụt, thấm dột, gãy đổ và cháy nổ. Vì thế khi xuống cấp địa phương nơi có di tích đề xuất trùng tu, và việc phải đối mặt đầu tiên và phức tạp nhất là các thủ tục pháp lý. Có thể nói đây là một “ma trận” vô cùng phức tạp trải qua hàng chục khâu và hàng năm trời có khi không có hồi kết.
Địa phương muốn sửa chữa, trùng tu phải qua UBND xã, huyện, tỉnh với sự thẩm định của Sở VH-TT-DL, nếu là di tích quốc gia phải qua Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa, Hội đồng Di sản quốc gia, Hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc, các hội nghề nghiệp khác. Khi có chủ trương địa phương phải làm dự án, có tờ trình, có báo cáo kinh tế- kỹ thuật, tài chính, cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định đánh giá của chuyên gia trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kiến trúc, xây dựng, tài chính.
Ngoài hội đồng chuyên môn cũng cần có hội đồng thẩm định năng lực tổ chức tư vấn, thẩm định các phương án trùng tu (cải tạo, sửa chữa, hạ giải làm mới…), đánh giá năng lực đơn vị thi công về tài chính, nhân lực và phương tiện kỹ thuật… Kể cả khi có đủ tất cả mọi yêu cầu, nhưng người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề phục chế, trùng tu di sản do Bộ VH-TT-DL cấp, hay dù có chứng chỉ mà chưa từng thực hiện một dự án trùng tu nào trong thực tế, thì việc khởi công vẫn sẽ bị đình chỉ.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên ngành về bảo tồn, mà chỉ có các khóa đào tạo ngắn hạn vài ngày, vài tuần và được cấp chứng chỉ hành nghề. Với chừng ấy thời gian, e rằng họ chưa đủ trình độ và kinh nghiệm để nhận biết được những tinh tế và phức tạp của công việc trùng tu.
Việt Nam không nhiều người đủ nhận biết được các phong cách kiến trúc, thiết kế của các thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn ở trong các đình, chùa, và càng khó hơn với các kiểu kiến trúc bích họa, tượng, phù điêu do người Pháp mang từ châu Âu qua, sau đó được trộn với văn hóa bản địa như các nhà thờ, nhà hát, công sở.
Còn những nghệ nhân tay nghề cao trong mộc, nề, chạm khắc, lộng cực kỳ hiếm. Chính vì thế mà nhiều công trình di tích có tuổi đời hàng trăm năm trở thành sơ sinh với những vật liệu hiện đại, trang trí như hàng mã.
Do vậy, Đề án bảo tồn, tôn tạo di tích của Bộ VH-TT-DL muốn thành công cần phải có những giải pháp cụ thể hơn. Thứ nhất, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho tổ chức (công hay dân cử) khi có ý định duy tu, bảo trì, phục chế các di sản di tích trên địa bàn địa phương.
Thứ hai, khi địa phương có nhu cầu trùng tu các cơ quan chức năng cần sớm cử người về hướng dẫn, giúp đỡ cách làm chứ không nên để bà con tự phát làm, để khi sự đã rồi thì quay ra phê phán, kỷ luật.
Thứ ba, trước khi trùng tu cần tổ chức các khóa huấn luyện ngắn kiến thức về di tích, di sản và cách thức trùng tu di sản cho cán bộ địa phương và người dân tại chỗ, đặc biệt là các kỹ thuật trùng tu phức tạp, như ở Huế việc phục chế màu sắc, chất liệu sơn tường được hướng dẫn dưới sự chỉ đạo của chuyên gia phục chế người Đức.
Thứ tư, đối với công trình không mang tính tiêu biểu cho một trường phái hay một giai đoạn lịch sử, không có kiến trúc độc đáo mà chỉ của làng, xã thì có thể giảm bớt các tiêu chuẩn trùng tu, không nhất thiết phải cứng nhắc như đối với công trình cấp quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiến hành trùng tu.
Tóm lại, để di sản, di tích văn hóa, lịch sử-kiến trúc sống lâu dài, bền vững, Nhà nước cần có những chính sách đúng và hệ thống thực thi hiệu quả. Tư duy phong trào, nhiệm kỳ luôn tiềm ẩn những rủi ro cho các di sản, di tích vốn đã mỏng manh trước thời gian, thời tiết và nhân sinh.