TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3:
Qua kiểm toán cho thấy các trường đại học công lập mới chỉ thực hiện tự chủ về tài chính. Trong khi dòng tiền để đi đến tự chủ ở một số trường đại học công lập bằng việc thu học phí sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định.
Mặt khác, một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo, vốn là mục đích chính của tự chủ đại học.
Cụ thể, số liệu kiểm toán tại một số trường đại học công lập cho thấy số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ quốc phòng và an ninh ngoài quy định hơn 14.567 tỷ đồng (tại 5/7 cơ sở giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội 702 triệu đồng; tại 5/9 cơ sở giáo dục đại học thuộc ĐHQG TPHCM 4,479 tỷ đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ GD-ĐT 9,386 tỷ đồng).
Các trường đại học công lập tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ trình, đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể về việc các cơ sở giáo dục công lập phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng từ các nguồn thu hợp pháp, để ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các sinh viên có thành tích xuất sắc, còn phải có trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học.
Thực tế, hầu hết các trường đại học công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học, dẫn đến tình trạng người dân nghèo hiếu học, học giỏi nhưng không được học do mức học phí cao.
Việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho các giảng viên, mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá, hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung và dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ, hiệu quả.
TS. Trần Tú Khánh, Vụ Kế hoạch và Tài chính - Bộ Giáo dục-Đào tạo:
Tính đến cuối năm 2017, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo NQ77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương.
Trong đó, 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 3 trường có thời gian tự chủ từ 1-2 năm, 5 trường có thời gian tự chủ dưới 1 năm và 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7-2017.
Khảo sát của Bộ GDĐT cho thấy, phần lớn các trường đã đảm bảo tương đối tốt toàn bộ hoạt động chi thường xuyên, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích học bổng khuyến khích theo quy định và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước.
Tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 7.765 tỷ đồng (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.660 tỷ đồng (tăng 16,6%).
Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập là tất yếu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục đại học.
Tuy nhiên, nguồn tăng thu của các trường đại học hiện nay vẫn là tăng quy mô đào tạo, chưa huy động được các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước. Thêm vào đó, một số trường còn nhận thức chưa đúng về tự chủ tài chính.
Tự chủ đại học được cho là xu thế tất yếu, nó bao hàm nhiều vấn đề chứ không chỉ là tự chủ về tài chính, và tự chủ tài chính cũng cần được các cơ sở giáo dục đại học hiểu đúng, làm đúng chứ không phải thu chi thế nào tùy ý.
Tự chủ đại học không phải là tự ý tăng thu để lấy tiền chia nhau. Nếu lấy tiền từ nguồn thu học phí rồi chuyển sang các quỹ phúc lợi để chia nhau là không được, cơ quan kiểm toán nhà nước sẽ làm rất chặt chẽ vấn đề này.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Tự chủ đại học của ta hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song nhìn chung nhận thức về vấn đề này của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn của các cơ sở giáo dục đại học còn chưa đầy đủ, thống nhất. Đặc biệt, cơ chế tài chính còn nhiều hạn chế.
Nguồn tài chính cho giáo dục đại học chưa được đa dạng hóa, các cơ sở giáo dục đại học còn chưa chủ động về nguồn thu. Hiện nay, cơ cấu nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học chủ yếu là từ học phí. Thêm vào đó, các trường chỉ được tự chủ xác định mức học phí trong khung định mức do Nhà nước quy định. Trong khi đó, khung này chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Do đó, cần xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo đại học, cần tạo cơ chế để các trường được tự chủ xác định mức học phí hợp lý, tương xứng với chất lượng đào tạo.