1. “Lọc cọc, lọc cọc, lọc cọc…”, tiếng hòn bi ve rơi xuống nền của căn hộ phía trên rồi nhảy múa một lúc trước khi dừng lại. Liền sau đó, ở căn hộ phía dưới, cô con gái hơn 1 tháng tuổi đang ngủ bị giật mình khóc thét, tiếng lầm bầm của ông bố trẻ khi đang chơi dở ván game bị vợ sai dỗ con. Và dĩ nhiên, không thể thiếu tiếng của bà mẹ trẻ ngó ra ban công tầng dưới “mắng vốn” lên tầng trên để người lớn nhà trên biết ý không cho đám trẻ thả bi ve xuống nền nhà, gây ồn xuống nhà cô.
Cuộc sống ở chung cư luôn đề cao mối quan hệ cộng đồng. Ảnh: CAO THĂNG
Không rõ nhà trên có nghe hay không nhưng tiếng bi ve lọc cọc cứ lặp đi lặp lại, tiếng chồng la rầy vợ rồi vợ gằn hắt chồng giữa tâm điểm tiếng khóc cô con gái vẫn không ngớt. Anh chồng bực bội vơ lấy chiếc điện thoại rồi bước ra khỏi nhà, trước khi đi không quên ném cái nhìn đầy giận dỗi cho vợ và gằn giọng: “Có ngày nghỉ ở nhà cũng không yên, phức tạp”. Lấy cớ ở nhà không yên tĩnh, anh chồng đi tối ngày, hôm nào cũng khuya lắc khuya lơ mới về. Không khí gia đình cũng vì vậy mà nhạt nhẽo, vợ chồng hờn giận nhau.
Chung cư là vậy, nếu có điều kiện sống trong những chung cư cao cấp, nhà đầu tư chú trọng đến yếu tố cách âm nhằm loại bỏ nguy cơ hàng xóm gây phiền hà cho nhau thì còn đỡ. Hoặc may mắn thì gặp được gia đình phía trên trải thảm, ốp sàn gỗ cũng giảm thiểu phần nào tiếng ồn, còn nếu chẳng may gặp phải gia đình nhà trên không biết ý thì nhà dưới lãnh đủ.
2. Một ngày cuối tuần, chị hàng xóm dắt theo con nhỏ sang nhà chị Phạm Thị Ngọc Lan (ở căn hộ đối diện) ngỏ ý muốn nói chuyện thẳng thắn. Là chuyện gì đó to tát đã đành, đằng này hàng xóm phàn nàn việc gia đình chị Lan nấu ăn nhiều khiến mùi đồ ăn bay hết sang nhà chị. Ngay cả chuyện gia đình chị Lan quét phần hành lang chung, chị cũng không hài lòng vì lúc quét không báo để chị đóng cửa nên bụi bay vào nhà chị. Chuyện tưởng chừng hư cấu ấy xảy ra ở một chung cư tại phường Phú Hữu (quận 9). Gia đình chị Lan bối rối bởi không biết mình đã làm sai ở đâu và phải làm thế nào để cải thiện tình hình vì… không thể nhịn ăn hay ở dơ để hàng xóm khỏi phàn nàn. “Ngày nhà tôi ăn 2 bữa với những món cơm canh đơn giản, mà đã là gia đình thì phải có việc dọn dẹp, nấu nướng, sống trong chung cư thì phải chấp nhận chứ”, chị Lan giải thích nhưng hàng xóm vẫn không chịu.
Dĩ nhiên, sau “góp ý” vô lý ấy của hàng xóm, gia đình chị Lan không khỏi thôi suy nghĩ. Vì không muốn bất hòa, chị Lan đành hạn chế nấu những món kho, xào, nhất là những món phải nêm mắm dù đó là món ăn mà chồng, con chị rất thích. Ăn luộc mãi cũng chán, chồng chị tỏ ra khó chịu, con thì khóc ngằn ngặt không chịu ăn vì không phải “món ruột”. Cũng từ chuyện nhỏ nhặt ấy, gia đình chị Lan đâm căng thẳng, thời gian đầu, anh Quyên (chồng chị) thường xuyên báo cắt cơm để ăn ngoài cho đỡ ngán. Cuối cùng, chị Lan đành chọn phương án cuối tuần về nhà mẹ đẻ nấu vài món chồng, con thích rồi đem về bỏ tủ lạnh ăn dần.
3. Ở chung cư lại thường có tình trạng các cô, các bà hay tụ tập ở hành lang hay công viên rồi dò xét, bình phẩm nhà này nhà khác. Từ chuyện nhà này thường đi sớm về khuya, chuyện ăn uống, đến việc con cái họ còi cọc ra sao, giống cha hay giống mẹ… đều được đem ra bàn tán. Cũng vì nghe bóng nghe gió các cô, các bà chê cậu con trai “chẳng có lấy một nét giống cha” mà vợ chồng chị Nguyễn Hải Âu đâm hục hặc, nghi ngờ lẫn nhau. Một thời gian dài anh Luân (chồng chị Hải Âu) không gần con, lúc nào anh cũng dò xét đứa bé rồi lại dò xét các mối quan hệ của vợ.
Ban đầu chị Hải Âu còn nửa đùa nửa thật ngầm giải tỏa tâm lý cho chồng, nhưng càng ngày lời đồn đoán của những người hàng xóm càng ghim vào đầu anh Luân những suy nghĩ tiêu cực. Anh Luân trở nên cục cằn, hay quát mắng con vô cớ, thậm chí mỗi lần không hài lòng điều gì ở vợ lại đòi ly dị. Nhận thấy sự việc đi quá xa, chị Hải Âu đề nghị chồng cho con đi xét nghiệm ADN và cũng chỉ đến khi kết quả cho thấy cha con anh Luân có quan hệ huyết thống thì những ngờ vực mới được giải tỏa, không khí gia đình dù còn gượng gạo nhưng không còn đến nỗi đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ.
Không gian sống trong các căn hộ ở chung cư có phần chật hẹp hơn, các gia đình dù độc lập nhưng lại có mối liên quan với nhau về mặt cấu trúc nhà ở, về không gian công cộng. Bởi đặc thù của căn hộ chung cư là vậy nên sự sẻ chia, thông cảm và dĩ nhiên cả sự tự ý thức của mỗi người để không ảnh hưởng đến người xung quanh là rất quan trọng, không chỉ góp phần giúp đời sống của những người trong cộng đồng ấy hài hòa hơn mà cũng là cách để mỗi gia đình nhỏ hạnh phúc hơn, thoải mái hơn trong tổ ấm của mình.