Điều đáng nói là đơn này được làm từ năm 2014, đến năm 2015 thì rút lại, nhưng nay mới lộ ra. Và thực tế cũng không ai biết thấu đáo về việc này, vì sao bà Lan từ bỏ quốc tịch, khi rút ra có nộp đơn lại và diễn biến đến nay ra sao?
Sẽ không có gì đáng nói, vì đây là quyết định của công dân, xin nhập tịch hay thôi quốc tịch là quyền riêng của mình, tính toán theo nguyện vọng và lợi ích riêng của họ. Nhưng trong trường hợp này lại sản sinh ra nhiều đồn đoán, tiềm ẩn những bất ổn vì những hệ lụy dây chuyền có thể gây ra khi bà Trương Mỹ Lan là một đại gia bất động sản thành danh, sở hữu những dự án lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực.
Vạn Thịnh Phát thời gian qua nổi như cồn, được biết đến là một trong những tập đoàn bất động sản sở hữu khối trung tâm thương mại, khách sạn, đất đai đắc địa và lớn nhất tại TPHCM. Chỉ riêng khu vực trung tâm Nguyễn Huệ -Đồng Khởi, tập đoàn gia tộc này đã có 5 công trình đình đám: Time Square, Union Square, khách sạn Duxton… và chưa kể các mặt bằng “tiểu tiết” khác chưa lộ diện.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT, cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee - một doanh nhân bất động sản có tiếng tại Hồng Công. Riêng tại TPHCM, tập đoàn này đã thiết lập một đế chế hùng mạnh, sở hữu một khối tài sản đồ sộ lên đến hàng tỷ USD. Chân rết của tập đoàn này gồm: CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng với Vạn Thịnh Phát sở hữu 45%, bà Trương Mỹ Lan 15%, trong khi đó bà Lan lại nắm giữ lại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến 80% vốn); CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (18.000 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (12.000 tỷ đồng); Công ty Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (11.000 tỷ đồng); CTCP Đầu tư An Đông (9.000 tỷ đồng).
Đó là chưa kể khối lượng lớn vốn điều lệ tham gia tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng nhiều chiêu thức kinh doanh khác. Thuận Kiều Plaza được hồi sinh sau 20 năm bất động nhờ Vạn Thịnh Phát mua lại năm ngoái. Cụm cao ốc nhà ở - thương mại này được tô điểm lại, đổi tên là The Garden Wall.
Mới đây, một luật sư bày tỏ ý kiến trên báo, bao biện rằng một doanh nhân hay nhà đầu tư xin thôi quốc tịch là điều bình thường. “Mặc dù dư luận cho rằng khó lý giải khi một doanh nhân đang mang quốc tịch Việt Nam sau khi đầu tư sở hữu khối tài sản lớn rồi xin thôi quốc tịch, nhưng đó là câu chuyện của truyền thông - thông tin cho cộng đồng. Còn việc sở hữu quyền công dân khi nắm quốc tịch hay đề nghị thôi quốc tịch là vấn đề pháp lý, gắn với quyền và nghĩa vụ của người đó”.
Theo vị luật sư này, khi thôi quốc tịch việc hoàn tất các nghĩa vụ đối với Nhà nước là điều bắt buộc. Nhà đầu tư phải hoàn tất các nghĩa vụ của dự án, từ trách nhiệm đối với việc thực thi được chấp thuận bởi cơ quan chức năng, đến trách nhiệm với khách mua - thuê bất động sản của họ. Vậy, khi nộp đơn xin thôi quốc tịch bà Trương Mỹ Lan đã chuyển nhượng quyền sở hữu tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa, xử lý cổ phần ở các công ty con ra sao. Việc nắm cổ phần chi phối tại ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam theo Luật các Tổ chức tín dụng phải là cá nhân Việt Nam, vậy bà Lan đã thoái vốn tại SCB chưa? Bạn đọc không thể chấp nhận một vị luật sư đưa ra lý lẽ biện minh cho bà Trương Mỹ Lan lại không đưa ra được chứng cứ, hành động nào của đương sự khi quyết định từ bỏ quốc tịch.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có những công trình lớn, khai trương đình đám, góp phần làm thay đổi khu trung tâm TPHCM nhưng cũng có những công trình dang dở, bỏ bê nhiều năm. Dự án Tháp SJC tọa lạc tại tứ giác Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành, quận 1) được khởi công ngày 2-12-2016 sau 10 năm “trùm mền” do CTCP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam làm chủ đầu tư dự án. Khởi công xong, không hiểu lý do gì đến nay công trình vẫn im ắng, bên trong cho thuê giữ xe.
Tháng 4-2016, Vạn Thịnh Phát khởi công xây dựng siêu dự án Saigon Peninsula (phường Phú Thuận, quận 7), có tổng diện tích 118ha, bao gồm công viên đa chức năng, bến cảng quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, khách sạn… ôm trọn một khu vực rộng lớn ngay bờ sông Sài Gòn. Tuy nhiên sau hơn 1 năm dự án này chỉ “khởi” mà chưa “động”. Theo một nguồn tin, đến nay dự án này vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Vì vậy có thể nói bà Trương Mỹ Lan có trách nhiệm rất lớn về việc kinh doanh của mình, có tiếp tục thực hiện các dự án hay chuyển giao dự án. Hơn nữa luật pháp cũng quy định có sự khác biệt rất lớn về chủ thể trong nước hay nước ngoài về đầu tư bất động sản, thuê mua, tỷ lệ sở hữu. Vì vậy không thể nhìn nhận như một công dân bình thường, cứ muốn là từ bỏ quốc tịch, dứt áo ra đi! Đó là chưa kể quyền lợi đối với khách hàng, những người liên quan.
Vạn Thịnh Phát sẽ xử lý ra sao đối với các dự án dang dở. Và các công ty con của tập đoàn hoặc các cá nhân khác được ủy nhiệm, mua lại dự án có thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận với khách hàng và đề án đã thông qua với cơ quan chức năng? Sự vụ “đại gia” bất động sản từ bỏ quốc tịch sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, công luận và những người liên quan, đối tác các dự án muốn biết vấn đề được giải đáp tường minh.