Bẫy “tín dụng đen”: Biến tướng, len lỏi từng ngõ ngách

(ĐTTCO) - Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian qua, các hình thức cho vay lãi nặng (hay còn gọi là “tín dụng đen”) vẫn như nấm mọc sau mưa. Dù cơ quan chức năng liên tục trấn áp nhưng loại tội phạm này luôn biến tướng tinh vi, dụ dỗ và lừa gạt nhiều người vướng bẫy.

Minh họa: ANH DŨNG

Minh họa: ANH DŨNG

Không dám về nhà 

Gần 2 tháng qua, bà N.T.C. (55 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) lâm vào cảnh khốn cùng, có nhà không dám về do liên tục bị các đối tượng cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động (app) gọi điện hăm dọa, “khủng bố”, sau khi bà mất khả năng trả nợ cho khoản vay với lãi suất lên đến 310%/tháng. Trước đó, vào đầu tháng 6-2022, trong lúc gặp khó khăn, người thân bị bệnh nặng không có tiền chữa trị, bà C. thấy quảng cáo cho vay tiền trực tuyến qua app với nội dung “thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh” nên vay 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, bà C. chỉ nhận được 7,5 triệu đồng.

Không những bị trừ 2,5 triệu đồng “phí tư vấn”, 7 ngày sau bà nhận được điện thoại của các đối tượng cho vay, yêu cầu trả số tiền cả gốc lẫn lãi là 13 triệu đồng. “Với cách tính này, mỗi ngày tôi phải trả lãi 780.000 đồng cho khoản vay 7,5 triệu đồng, tương đương lãi suất 310%/tháng”, bà C. kể.

Do số tiền lãi quá cao, bà C. không có khả năng trả nên bị những người này gọi điện, nhắn tin chửi bới, thậm chí hăm dọa sẽ tìm đến nhà để “xử”. Lo sợ, bà C. rơi vào vòng lẩn quẩn khi phải vay tiền ở app này để trả tiền vay ở app khác. Trong thời gian ngắn, bà C. vay tiền của hàng loạt app cho vay khác nhau. Số tiền thực nhận cho mỗi lần vay càng ít, nhưng tiền lãi phải trả lại càng cao nên bà mất khả năng thanh toán, càng lún sâu vào cảnh nợ nần do lãi mẹ đẻ lãi con. Đến nay, khoản nợ của bà C. ở các app đã lên đến hơn 400 triệu đồng. Bị đe dọa, vì quá lo lắng, bà cùng người thân phải dọn đồ đi khỏi nhà.

Bẫy 'tín dụng đen': Biến tướng, len lỏi từng ngõ ngách ảnh 1Một băng nhóm “tín dụng đen” hoạt động cho vay lãi nặng  bị Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Lào Cai triệt phá Ảnh: CA cung cấp

Những ngày qua, anh T.Đ.T. (SN 1978, giám đốc một công ty có 400 công nhân ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) liên tục bị uy hiếp, xúc phạm danh dự. Các đối tượng đưa hình anh T. và con gái lên mạng xã hội Facebook, quy chụp là đồng phạm, tiếp tay cho 2 công nhân tên B.P.T. và C.T.B.M. vay tiền, quỵt nợ, lừa đảo. Các đối tượng này còn hù dọa sẽ đăng tải hình ảnh cha con anh T. đến khi nào trả hết nợ. 

Anh T. bức xúc: “Tôi không hề quen biết và liên quan đến các khoản vay “tín dụng đen”, chỉ là công nhân của tôi dùng hợp đồng lao động do tôi ký khi vay nợ, thậm chí có người đã nghỉ việc. Hình ảnh của tôi và gia đình bị liên tục đăng lên mạng xã hội, quá phiền toái”.

Bủa vây người lao động nghèo

Theo tìm hiểu, các app bà C. vay tiền đều quảng cáo rằng thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân nhanh. Khách hàng có nhu cầu vay chỉ cần làm 4 bước đăng ký qua app mà không cần gặp mặt, và có thể vay từ 1-10 triệu đồng. Tuy nhiên, các app này đều yêu cầu người vay phải cung cấp số điện thoại, đồng ý cho app truy cập vào danh bạ điện thoại, chụp hình CCCD, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ cơ quan và nhà, số điện thoại người thân, đồng nghiệp... Và phía cho vay không để lại thông tin liên lạc cho khách hàng liên hệ.

Khi vay tiền qua app, dù không gặp bất cứ ai nhưng khách phải trả “phí tư vấn”, “phí dịch vụ” với số tiền tăng dần theo khoản vay. Tại app vay “Money…”, nếu vay 3 triệu đồng, khách sẽ bị trừ trực tiếp 580.000 đồng “phí tư vấn” và 630.000 đồng “phí dịch vụ”, chỉ được nhận hơn 1,7 triệu đồng. Sau 7 ngày, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi với số tiền hơn 4,3 triệu đồng. Nếu khách chậm trả sẽ bị cộng dồn tiền lãi và nhận các cuộc gọi đe dọa.

Không chỉ cho vay tiền qua app, hiện nay các đối tượng cho vay lãi nặng còn có nhiều phương thức cho vay khác nhau, nhắm vào người lao động nghèo như gửi email, gọi điện thoại chào mời. Đa số hình thức liên lạc đều một chiều từ phía cho vay, người vay không thể liên lạc ngược lại với phía cho vay.

Giữa tháng 6-2022, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM triệt phá đường dây cho vay lãi nặng do Trương Ngọc Tính (31 tuổi, ngụ quận 6) cầm đầu. Nhóm Tính cho hơn 1.000 người có thu nhập thấp (như bán hàng rong, bán vé số, chạy xe ôm…) vay với số tiền dưới 10 triệu đồng/lần, lãi suất từ 30%-40%/tháng.

Tiếp đó, ngày 12-7, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay lãi nặng quy mô lớn qua ứng dụng app, hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam. Đường dây này do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với đối tượng trong nước, do Nguyễn Thị Hoài Thương (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM), Phạm Thị Huyền (32 tuổi, ngụ tỉnh Lào Cai) và Chống Ngọc Phụng (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) điều hành.

Nhóm này sử dụng gần 300 app cho vay tiền, liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cung cấp gói cho vay trị giá từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất hơn 2.090%/năm. Muốn vay tiền, người vay phải cài app trên điện thoại di động, cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh cá nhân; cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ, các ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên, khi hoàn thành các bước đăng ký, người vay chỉ được nhận hơn 50% so với số tiền đăng ký vay. Nếu khoản vay quá hạn, bộ phận thu hồi nợ sẽ liên lạc và sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của người vay và người thân, bạn bè của họ.

 Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ, với gần 4.000 bị can. Trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay lãi nặng có người bị hại là công nhân.

- Đại tá TRẦN VĂN HIẾU, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM:

Không nên vay tiền qua các app

Hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” hết sức tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý. Sau khi lực lượng công an trấn áp mạnh, các băng nhóm “tín dụng đen” chuyển từ hình thức rải tờ rơi sang hình thức cho vay qua các app điện tử chuyên dùng cho điện thoại di động.

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội quảng cáo rầm rộ, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền tự liên hệ và “vẽ ra” nhiều loại phí dịch vụ để cắt xén tiền từ các khoản vay. Nhiều người bị vướng vào nợ nần do vay nợ qua các app mà không nghĩ tới lãi suất từ 2,5%-5%/ngày, thậm chí 900%-2.000%/năm. Khi nạn nhân mất khả năng chi trả, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn gây sức ép với con nợ, người thân - từ đe dọa, “khủng bố” nạn nhân bằng lời nói, tin nhắn, gọi điện và dùng vũ lực ở mức chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, ném chất bẩn, sơn, thậm chí bắt giữ con nợ để giam giữ, tra tấn nhằm đòi tiền.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các app trên internet, các trang mạng xã hội. Khi phát hiện các app cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay lãi nặng, người dân liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin. Nếu bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên, thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho công an nhằm làm cơ sở xử lý, can thiệp trong trường hợp cần thiết. Người dân cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật.


- Thượng tá LÊ MẠNH HÀ, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM:

Đánh mạnh vào hoạt động tội phạm cho vay lãi nặng


Thời gian qua, Công an TPHCM đã triệt phá nhiều vụ án liên quan đến “tín dụng đen” với hàng ngàn nạn nhân. Tuy nhiên thực trạng “tín dụng đen” hiện vẫn hoạt động phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân, người lao động, sinh viên. Nếu không may vướng vào các app vay tiền của các đối tượng “tín dụng đen”, dù có vay được tiền hay không thì người dân cũng bị “xẻ thịt” bằng mọi cách.

Các đối tượng còn dùng chiêu thức tin nhắn, gọi điện báo sai một số lỗi trong quá trình nhập thông tin trên app nên không nhận được tiền vay, rồi yêu cầu người vay chuyển tiền phạt để được nhận số tiền vay. Do đang cần tiền vay nên nạn nhân làm theo, dẫn tới bị dẫn dụ vào bẫy lừa đảo.


Công an TPHCM tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác có nguyên nhân từ “tín dụng đen”. Cùng với đó là việc tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tới người dân về các phương thức thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen” để người dân phòng tránh. Công an cũng kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm triệt tận gốc.

Các tin khác