(ĐTTCO) - “Việc đấu thầu nên chọn giá hợp lý nhất chứ không phải giá thấp nhất để đảm bảo chất lượng vật tư phục vụ người bệnh”, bác sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy, đề xuất đồng thời kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 trở lên được lựa chọn thương hiệu trong mua sắm các trang thiết bị, và Bộ Y tế cần quy định chi tiết như thế nào là "tình huống cấp bách trong y khoa" để chỉ định thầu giúp kịp thời có thuốc cho người bệnh.
Người dân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 30-9
Sáng 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy về thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện giai đoạn 1-1-2020 đến 30-6-2022 và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện giai đoạn 1-1-2020 đến 30-6-2022.
Đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh
Bác sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, quy mô 3.201 giường, được giao thực hiện cơ chế tự chủ theo nhiều giai đoạn, trong đó từ năm 2022 đến nay bệnh viện tự chủ theo Nghị định 60 (chi thường xuyên).
Nói về tự chủ tài chính, bác sĩ Tôn Văn Tài cho biết, hiện nhiều quy định pháp luật chưa hợp lý, kịp thời, dẫn đến khi thực hiện tự chủ, bệnh viện gặp khó khăn. Điển hình, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đủ, chỉ tính 4/7 cấu phần; thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao thanh toán bằng giá mua vào; chưa tính chi phí quản lý, hao hụt, bảo quản, kho lưu trữ.
Chi phí điện nước tính theo thời điểm ban hành giá, trong khi giá thay đổi theo tình hình nhà nước, nếu tăng cũng được tính. Chi phí duy tu bảo dưỡng được tính 2-5%, nhưng hầu hết trang thiết bị y tế cũ nên cao hơn mức này. Chi phí tiền lương mới tính cho bộ phận trực tiếp là bác sĩ, điều dưỡng, còn bộ phận gián tiếp chưa được tính.
Ngoài ra, theo vị bác sĩ này, khó khăn còn có mức giá nhà nước quy định cho hoạt động thu chưa tính phần tích lũy, chi phí quản lý, giá trị hư hao trong quá trình lưu bảo quản vật tư, thiết bị, dẫn đến nguồn thu thấp hơn nguồn chi. Hiện nay một số dịch vụ y tế chưa có khung giá để quy mức giá tương đương, chỉ 11% có giá dịch vụ y tế, nên nếu áp giá tương đương thì một số dịch vụ không phù hợp.
"Các giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo Nghị định 60 sẽ có mức cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa có khung giá. Bệnh viện đề xuất thanh toán đủ 7 cấu phần trong giá dịch vụ y tế. BHYT cần xem xét sửa đổi nghị định 146 trong thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh", bác sĩ Tôn Văn Tài kiến nghị.
Liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm, bác sĩ Tôn Văn Tài cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân. Việc mua thuốc hiếm gặp khó khăn trong cung ứng thuốc do nhiều nguyên nhân. Do đó, nên đấu thầu tập trung quốc gia hoặc cho bệnh viện áp dụng chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo thuốc điều trị bệnh nhân, vì đấu thầu rộng rãi sẽ tốn thời gian, ảnh hưởng điều trị.
“Việc đấu thầu nên chọn giá hợp lý nhất chứ không phải giá thấp nhất để đảm bảo chất lượng vật tư phục vụ người bệnh”, bác sĩ Tôn Văn Tài đề xuất đồng thời kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 trở lên được lựa chọn thương hiệu trong mua sắm các trang thiết bị, và Bộ Y tế cần quy định chi tiết như thế nào là "tình huống cấp bách trong y khoa" để chỉ định thầu giúp kịp thời có thuốc cho người bệnh.
Thiếu máy và hóa chất tạo gánh nặng cho xét nghiệm, điều trị
Tại buổi làm việc, nhiều bác sĩ băn khoăn khi quy định "không được dùng máy đặt, máy mượn" trong bệnh viện khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Bác sĩ Trần Thành Vinh, Trưởng Khoa Hóa sinh cho biết hiện bệnh viện thiếu hóa chất, thiếu trang thiết bị theo các hình thức đặt máy, nên không đủ xét nghiệm để trả cho người bệnh, đưa đến nguy cơ nguy hiểm là không đủ kết quả chẩn đoán để bác sĩ khám và điều trị bệnh nhân kịp thời.
Ngoài ra, tình trạng này còn tạo gánh nặng lớn cho công tác xét nghiệm. “Hiện nay phần lớn trang thiết bị là máy đặt, máy mượn. Hình thức khác như thuê cũng chưa có hướng dẫn, cho tặng thì các nhà cung cấp lớn chưa có chủ trương; bệnh viện cân nhắc tiếp nhận vì phải bảo trì bảo dưỡng sẽ vướng khi đấu thầu sửa chữa máy, mua thì không có tiền. Hình thức máy mượn, máy đặt là hợp lý nhất, giúp cho lĩnh vực xét nghiệm rất nhiều”, bác sĩ Trần Thành Vinh nhấn mạnh.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết , Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại buổi làm việc
Còn bác sĩ Trần Thanh Tùng¸ Trưởng Khoa Huyết học, cho rằng việc đặt máy, mượn máy sẽ đỡ được gánh nặng về chi phí nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước giàu vẫn áp dụng. Ở các nước, máy đặt, mượn 3-5 năm thì hóa chất trọn gói 3-5 năm. Ở bệnh viện đặc biệt thì 3-5 năm là máy cũng đã xuống cấp, thiết bị mới ra đời. Các hệ thống máy xét nghiệm ở bệnh viện hiện nay chủ yếu là tự động với hàng loạt vấn đề đi theo là hóa chất, vật tư, không thể đem hóa chất máy này dùng cho máy kia, mà phải dùng hóa chất tương thích.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, cơ cấu giá viện phí không tính khấu hao, bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay, các đời máy đều đã cũ, không có tiền đâu mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt. Trong giai đoạn này chưa cơ cấu vào giá thì không đặt máy mượn, bệnh viện sẽ đóng cửa.
"Ngành y tế cần được cấp cứu để hoàn thành nhiệm vụ, bởi bác sĩ quá tải, điều kiện phục hồi sức khỏe khó khăn, vật tư thiếu thốn. Đoàn sẽ nghiên cứu để chắt lọc, kiến nghị của TP đến Quốc hội về vấn đề liên quan tự chủ bệnh viện, đấu thầu, để tạo động lực phát triển lâu dài trong ngành y tế cũng như giải quyết nhanh các bức xúc hiện nay", ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân |
Trao đổi tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, Đoàn chia sẻ với những khó khăn của bệnh viện hiện nay, bệnh viện càng lớn, số lượng bệnh nhân đến càng nhiều thì sức ép trong đảm bảo chất lượng rất lớn. Đoàn sẽ có báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc; đồng thời nêu những kiến nghị từ các bệnh viện mà Đoàn khảo sát liên quan đến vấn đề thuốc, vật tư y tế gửi Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội để các đồng chí nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi. |