Bị cấm vận nặng nề, Nga vẫn bứt tốc trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

(ĐTTCO) - Mới đây, hãng tin Sputnik thông báo Nga trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với giá trị hàng hóa và dịch vụ đạt 2.300 tỷ USD trong năm 2022. Số liệu này dựa trên báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và dữ liệu thống kê do Sputnik thực hiện.
Kinh tế Nga vẫn chống chọi được trước các lệnh trừng phạt nhờ hoạt động xuất khẩu khí đốt - Ảnh: AP
Kinh tế Nga vẫn chống chọi được trước các lệnh trừng phạt nhờ hoạt động xuất khẩu khí đốt - Ảnh: AP

Vì sao nền kinh tế Nga vẫn đứng vững và bứt tốc phát phát triển, đứng hạng 8 nền kinh tế lớn nhật thế giới trong năm 2022, dù bị các nước phương Tây và Mỹ cấm vận, với hàng chục ngàn lệnh trừng phạt được ban hành nhằm vào các tổ chức và cá nhân Nga?

Các dự báo bi quan

Mỹ và hơn 40 quốc gia đồng loạt trừng phạt Nga để đáp trả việc Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2-2022. Các lệnh trừng phạt được mô tả là chưa từng có tiền lệ về quy mô và mức độ đối với một nền kinh tế như Nga.

Gói trừng phạt ban đầu bao gồm đóng băng các tài sản của Nga ở nước ngoài và cấm xuất khẩu những công nghệ chủ chốt. Trong suốt năm 2022, trừng phạt được tăng cường đáng kể khi Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Trong khi đó, hơn 1.200 công ty phương Tây đóng cửa chi nhánh ở Nga.

Phương Tây còn thực hiện các biện pháp trừng phạt như loại NHTW Nga và nhiều ngân hàng tư nhân của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, khiến đồng rúp của Nga tụt giá mạnh.

Hậu quả gần như xuất hiện ngay lập tức. Người dân Nga, lo lắng về khoản tiết kiệm của họ khi tin tức về các biện pháp trừng phạt lan rộng, đã xếp hàng bên ngoài các máy ATM vào đầu tháng 3, vội vã rút bất kỳ khoản tiền mặt nào có thể trong bối cảnh lo ngại các ngân hàng có thể sụp đổ.

Mùa xuân năm 2022, các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đã đưa ra nhiều dự báo về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga. Goldman Sachs dự đoán nền kinh tế Nga suy giảm 10%, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo mức giảm 11%.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cũng cảnh báo về cuộc suy thoái sâu nhất trong 30 năm qua của Nga. Nhiều dự báo về chỉ số kinh tế vĩ mô cũng rất bi quan dành cho Nga, như lạm phát ở mức 23%…

Người dân Nga từng lo lắng xếp hàng dài rút tiền ở các cây ATM hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Người dân Nga từng lo lắng xếp hàng dài rút tiền ở các cây ATM hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Viện Tài chính quốc tế (IIF) đã dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm 2022. Thậm chí, vào tháng 3-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn bình luận kinh tế Nga "đang trên đà giảm một nửa".

Vào tháng 4-2022, WB dự đoán kinh tế Nga giảm 11,2%. "Do tấn công Ukraine, Nga phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất từng được áp đặt" - báo cáo của WB giải thích.

"Nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào năm 2022. GDP dự kiến sẽ giảm 11,2%, với rất ít khả năng phục hồi trong 2 năm tới" - báo cáo cho biết thêm.

Sức sống nền kinh tế Nga

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Thế nhưng, Nga đang làm tốt hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết chuyên gia - thậm chí còn tốt hơn một số nền kinh tế lớn muốn trừng phạt Điện Kremlin vì xung đột Ukraine.

Cụ thể, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, sản xuất công nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 của Nga chỉ giảm 0,1%. Và bây giờ lĩnh vực này dự kiến sẽ phát triển nhờ nền công nghiệp quốc phòng.

Trong khi đó, dù khó khăn trong giao dịch với các đối tác nước ngoài, nhưng các công ty Nga vẫn tiếp tục giao dịch tương đối tự do với các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD.

Giá dầu cao và chi tiêu quân sự là 2 yếu tố đang chống đỡ cho nền kinh tế Nga.

NHTW Nga nhanh chóng ổn định tỷ giá hối đoái, đưa về mức trước khi xung đột nổ ra. Lạm phát leo lên mức 18% nhưng đến cuối năm đã giảm xuống 12%.

Có 2 lý do chính giải thích cho điều này: Khả năng của Nga trong việc tìm kiếm các đối tác quốc tế và nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, đa dạng của Nga.

Nga tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới. Đây cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.

Đối với nhiều quốc gia, việc thay thế đột ngột nguồn cung của Nga đã tỏ ra quá tốn kém, nên bất chấp những nỗ lực của các nước phương Tây, một số quốc gia vẫn tiếp tục giao dịch khối lượng lớn với Moscow.

Ấn Độ là thí dụ điển hình: Trong khi các quốc gia phương Tây đã chuyển sang cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Ấn Độ đã tăng mạnh mức tiêu thụ dầu của Nga.

Theo dữ liệu của Bloomberg, ước tính, Ấn Độ đang nhập khẩu 1,2 triệu thùng dầu của Nga mỗi tháng - gấp 33 lần so với mức được thấy một năm trước đó.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục giao dịch với Moscow. Vào tháng 12-2022, nước này đã nhập khẩu 213.000 thùng dầu diesel của Nga mỗi ngày, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Bức tranh nhập khẩu vào Nga cũng khá xán lạn. Chẳng hạn, nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga trong tháng 12/2022 đạt 1,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với mức một năm trước đó.

Và ở chính châu Âu, ngay cả khi lục địa này gấp rút chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga thì các nhà lãnh đạo vẫn xác định rằng họ không thể đơn giản "khóa van" hoàn toàn.

Tổ chức Europe Beyond Coal (Đức) ước tính, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã chi hơn 150 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ.

Tác động lâu dài

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không có tác động đối với nền kinh tế Nga. Một số tác động sẽ có hiệu ứng lâu dài.

Khó khăn trong nhập khẩu công nghệ cao như vi mạch sẽ kìm hãm hoạt động sản xuất của Nga.

Ngoài một số ngành vẫn tăng trưởng như nông nghiệp, khách sạn, xây dựng và khai khoáng, các ngành sản xuất và bán lẻ đều giảm trong năm 2022.

Các chuyên gia dự đoán sản lượng từ các mỏ dầu khí sẽ giảm dần theo thời gian nếu không có đầu tư, bí quyết và thiết bị từ phương Tây.

Đài CBC dẫn lời giáo sư Mark Manger từ Đại học Toronto (Canada) nhận định "nền kinh tế Nga không sụp đổ mà đang bị thu hẹp lại".

Do đó, có ý kiến cho rằng cơn bão đối với nền kinh tế Nga bây giờ mới kéo đến. Trong năm nay, WB dự báo GDP Nga giảm 3%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán mức giảm 6%.

Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế, từng viết trên Twitter một cách chắc nịch: "Sự may mắn về năng lượng của Putin đã hết".

Theo ông Brooks, nhờ dầu khí, Nga đạt thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ vào năm 2022, nhưng cuối tháng 1-2023, khoản thặng dư đó đã cạn kiệt nghiêm trọng.

"Phương Tây có sức mạnh to lớn để làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga. Chúng ta có thể cắt dòng tiền chảy vào Nga và chấm dứt cuộc chiến này", ông Brooks viết trên Twitter.

Còn theo giáo sư Mark Manger, nhiều người kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ nghiền nát nền kinh tế Nga và buộc Matxcơva suy nghĩ lại về cuộc chiến, nhưng đó không phải là cách các biện pháp trừng phạt hoạt động.

"Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả trong việc lật đổ chế độ. Chúng có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn chiến tranh trong thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài, chúng có thể tàn phá hoàn toàn nền kinh tế".

Các tin khác