Tỉnh Panjshir, theo tiếng địa phương có nghĩa là “Thung lũng 5 sư tử” và cái tên này bắt nguồn từ thế kỷ thứ 10. Đây là một trong những địa phương nhỏ nhất trong số 34 tỉnh của Afghanistan.
Panjshir nằm ở thung lũng cùng tên, cách thủ đô Kabul chỉ khoảng 65 km về phía Đông Bắc. Thung lũng này là nơi sinh sống của khoảng hơn một vạn người, đa số là người Tajik.
Theo Hindustantimes, thung lũng này là “trái tim” của “Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan” và cũng được gọi là một “Liên minh phương Bắc mới”, là liên minh của các nhóm nổi dậy chống lại sự cai trị của Taliban từ năm 1996 đến 2001.
Thung lũng Panjshir. Ảnh: Annabel photography
Mặc dù cách không xa thủ đô Kabul, nhưng không thế lực nào cả trong nước và nước ngoài có thể kiểm soát Panjshir bằng vũ lực. Khu vực này nổi tiếng với địa hình hiểm trở và phong trào chống Taliban. Địa thế biến nơi này thành một pháo đài tự nhiên. Một số thông tin cho biết, trong đợt tiến công vừa qua, Taliban đã không động chạm đến Panjshir và giới chức ở đây cũng không hề tỏ ra lo ngại nguy cơ bị Taliban kiểm soát.
Panjshir hiện là nơi tiếp đón một số thành viên cấp cao của chính phủ bị lật đổ, trong đó có Phó Tổng thống Amrullah Saleh và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Mohammadi.
Phó Tổng thống Saleh tự tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bị lật đổ và rời khỏi đất nước. Ông Saleh viết trên Twitter: "Tôi sẽ không bao giờ cúi đầu trước những kẻ khủng bố Taliban. Tôi sẽ không bao giờ phản bội linh hồn và di sản của người anh hùng Ahmad Shah Massoud của tôi, người chỉ huy huyền thoại và người dẫn đường".
Thung lũng Panjshir đóng vai trò quyết định trong nhiều chiến thắng trong lịch sử quân sự của Afghanistan do vị trí địa lý gần như hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của đất nước. Con đường duy nhất để đến khu vực này là thông qua một lối đi hẹp bên bờ sông Panjshir, có thể dễ dàng triển khai phòng thủ.
Nổi tiếng với khả năng phòng thủ tự nhiên, khu vực nằm trong dãy núi Hindu Kush này chưa bao giờ rơi vào tay Taliban trong cuộc nội chiến những năm 1990, cũng như không bị Liên Xô chinh phục một thập niên trước đó.
Ahmad Massoud đã nhen nhóm hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho thành trì Panjshir một lần nữa. Nguồn: AFP
Thời điểm Taliban nắm quyền, Panjshir đã vững vàng nhờ sự tài giỏi của một thủ lĩnh du kích Ahmad Shah Massoud, được mệnh danh là “mãnh sư Panjshir”.
Hai ngày trước cuộc khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, ông này bị sát hại trong một vụ đánh bom liều chết bị nghi có liên quan đến nhóm khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, con trai của ông này, Ahmad Massoud, 32 tuổi, đã nhen nhóm hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho thành trì Panjshir một lần nữa.
Ahmad Massoud từng được đào tạo quân sự tại Anh. Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây cho thấy, Massoud đã đến thung lũng Panjshir không lâu sau khi Kabul thất thủ.
Theo trang National, Massoud hứa hẹn sẽ dẫn dắt phong trào chống lại Taliban. Nhiều binh lính chưa có dịp chiến đấu để ngăn chiến dịch quân sự thần tốc của Taliban đang tập trung tại Panjshir để bảo vệ các nhà lãnh đạo. Massoud cũng kêu gọi Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho lực lượng dân quân của mình.
Trong một bài báo xuất bản hôm thứ 17/8 trên tờ The Washington Post, Ahmad Massoud chia sẻ: "Tôi viết từ Thung lũng Panjshir, với tinh thần sẵn sàng tiếp bước cha tôi, với các chiến binh mujahideen, những người đã sẵn sàng một lần nữa đối đầu với Taliban".
Hôm 18/8, Nga cũng nhấn mạnh rằng một phong trào phản kháng đang hình thành ở Thung lũng Panjshir. Phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, có thông tin về tình hình ở Thung lũng Panjshir - nơi tập trung sự kháng cự của Phó Tổng thống Saleh và Ahmad Massoud..."
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Afghanistan tại Tajikistan Zahir Aghbar ngày 18/8 cũng bác bỏ sự cai trị của Taliban đối với quốc gia Tây Nam Á, cho rằng, tỉnh Panjshir sẽ đóng vai trò là thành trì của cuộc kháng chiến do Tổng thống tạm quyền tự xưng Amrullah Saleh lãnh đạo.