S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục mới
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 1.18% lên 5,354.03 điểm, mức cao kỷ lục mới. S&P 500 cũng ghi nhận mức cao mọi thời đại mới trong phiên là 5,354.16 điểm. Các cột mốc quan trọng mới xuất hiện sau khi chỉ số này trải qua vài tuần khó khăn, và hiện đã leo dốc 12.3% từ đầu năm đến nay.
Chỉ số Nasdaq Composite thêm 1.96% lên 17,187.90 điểm, cũng ghi nhận mức cao kỷ lục mới, khi cổ phiếu Nvidia bứt phá. Chỉ số Dow Jones tăng ít hơn một chút khi các cổ phiếu ngoài công nghệ hoạt động kém hiệu quả, cộng 96.04 điểm, tương đương 0.25%, lên 38,807.33 điểm.
Cổ phiếu Nvidia đã nối dài đà leo dốc chủ yếu dựa trên trí tuệ nhân tạo AI, tăng vọt hơn 5% lên mức cao kỷ lục mới và đạt vốn hoá thị trường trị giá 3 ngàn tỷ USD. Nhà sản xuất con chip đã tiết lộ về những con chip mới để khởi đầu tuần, nhận được nhiều lời khen ngợi từ các chuyên gia phân tích trên Phố Wall. Bank of America cho biết cổ phiếu Nvidia có thể tăng lên 1,500 USD/cổ phiếu, phản ảnh mức tăng hơn 22% so với mức đóng cửa vào ngày 05/06.
Dữ liệu từ ADP cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra ít việc làm hơn, ở mức 152,000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với dự báo 175,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Dữ liệu này là tín hiệu mới nhất cho thấy sự suy yếu trên thị trường lao động mà nhà đầu tư hy vọng sẽ cung cấp đủ bằng chứng để Fed hạ lãi suất.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự báo xác suất khoảng 70% các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất xuống khoảng 5.25%-5.5% trong tháng 9. Sự chú ý chuyển sang dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thấp nghiệp hàng tuần vào ngày 06/06 và báo cáo việc làm tháng 5 cực kỳ quan trọng của Mỹ vào ngày 07/06.
Cùng với Nvidia, các cổ phiếu công nghệ khác đã dẫn đầu đà tăng vào thứ Tư. Cổ phiếu Hewlett Packard Enterprise tiến hơn 10% sau khi công bố doanh thu tài chính quý 2 vượt kỳ vọng của Phố Wall. Cổ phiếu CrowdStrike cộng 12% nhờ kết quả lợi nhuận và triển vọng tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Meta Platforms tăng 3.8%.
Đà tăng của thị trường hôm thứ Tư diễn ra rất hạn hẹp với một số cổ phiếu ngân hàng và tiêu dùng suy yếu, trong khi cổ phiếu công nghệ nhảy vọt. Một số nhà đầu tư lo ngại rằng dữ liệu kinh tế yếu kém có thể báo hiệu sự suy thoái trên diện rộng và ảnh hưởng lớn hơn đến việc hạ lãi suất.
Dầu phục hồi từ mức đáy 4 tháng
Dầu WTI và dầu Brent đã bốc hơi gần 4% trong tuần này sau khi 8 thành viên OPEC+ vào hôm 02/06 đã đồng ý dần loại bỏ việc cắt giảm sản lượng 2.2 triệu thùng/ngày.
Khép phiên, hợp đồng dầu WTI thêm 82 xu, tương đương 1.12%, lên 74.07 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 89 xu, tương đương 1.15%, lên 78.41 USD/thùng.
Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại ING, cho rằng: “Đợt bán tháo đã diễn ra hơi quá. OPEC+ sẽ không bắt đầu tăng sản lượng cho đến tháng 10/2024 và cân bằng thị trường dầu vẫn sẽ khan hiếm trước đó. Các phân tích kỹ thuật cũng có thấy thị trường dầu đã bước vào vùng quá bán.”
Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhấn mạnh rằng kế hoạch tăng nguồn cung dầu của OPEC+ không mang tính ràng buộc. Ả-rập Xê-út sẽ “ấn nút tắt” việc tăng sản lượng trong quý 4 nếu thị trường dư cung hoặc tâm lý thị trường không tốt vào tháng 9.
“Mục đích luôn là đưa các thùng dầu trở lại từ từ và không khiến thị trường rơi vào tình trạng khó khăn vì nguồn cung tăng đột ngột. Vì Ả-rập Xê-út sẽ cung cấp phần lớn số thùng dầu mới, nên nước này sẽ không bị ràng buộc bởi kế hoạch vào ngày 02/06 nếu điều đó không có lợi cho quốc gia của họ,” bà Croft nói.
Dự trữ dầu gia tăng ở Mỹ cũng gây áp lực lên giá dầu vào đầu phiên ngày thứ Tư. Cụ thể, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 1.2 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 2.3 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích. Dự trữ xăng tăng 2 triệu thùng, gần như phù hợp với kỳ vọng.