Bình ổn giá thịt heo sau đại dịch

(ĐTTCO) - Cùng với việc cân đối số lượng thịt heo phục vụ thị trường Tết Canh Tý 2020, ngành nông nghiệp đang tích cực sửa sang, nâng cấp chuồng trại và lựa chọn heo giống đảm bảo chất lượng nhằm khôi phục chăn nuôi sau đại dịch tả heo châu Phi.

Đảm bảo nguồn thực phẩm

Từ mốc xấp xỉ 90.000 đồng/kg thời điểm trung tuần tháng 12-2029, giá heo hơi trên thị trường các tỉnh, thành miền Trung bắt đầu giảm trung bình khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy địa phương. Kéo theo đó, giá thịt heo bán trên thị trường, nhất là tại các chợ đầu mối ở khu vực này cũng giảm theo. Tiểu thương Nguyễn Văn Tâm, bán thịt heo tại chợ Hòa Xuân cho biết, tháng 11 và đầu tháng 12-2019, thịt heo tăng giá, nhưng từ giữa tháng 12 bắt đầu giảm, dù vậy sức tiêu thụ thịt heo không cao. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã chỉ đạo các nhà phân phối tăng cường thu gom nguồn hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm lượng hàng tối đa tại điểm bán bình ổn giá ở các chợ trên địa bàn. Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thịt đông lạnh tại các siêu thị. Bên cạnh đó, chương trình bình ổn giá thịt heo của ngành Công thương TP Đà Nẵng triển khai với mức giá giảm khoảng 5.000 đồng/kg thịt các loại so với giá thị trường. 

Bình ổn giá thịt heo sau đại dịch ảnh 1 Người dân mua thịt heo tại chợ Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Ảnh: NGỌC PHÚC

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết Canh Tý của tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra những chợ trung tâm tại các huyện: Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên và Nam Giang. Qua kiểm tra cơ bản thị trường thịt heo đã ổn định, giá cả tương đối bình ổn. “Do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, nguồn cung thực phẩm thịt heo giảm mạnh, giá thịt có phần tăng cao trên thị trường. Tuy nhiên giá heo hơi, heo thịt thời điểm này không còn tăng đột biến như thời điểm đầu tháng 12-2019”, ông Thiều Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho biết.

Thống kê của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, tổng đàn heo của địa phương còn lớn, với gần 410.000 con, trong đó có khoảng 60.000 con heo đến thời kỳ xuất bán. Số lượng heo này đủ để cung cấp cho người dân trên địa bàn và một số địa phương lân cận trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện giá heo hơi tại địa phương dao động 81.000 - 84.000 đồng/kg, giảm 7.000 - 8.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1-2 tuần.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến cuối năm 2019, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 712 thôn, 125 xã thuộc 9 huyện với tổng số heo mắc bệnh và đã tiêu hủy là 74.013 con, tương đương 4.477 tấn. Tuy nhiên, các trang trại lớn chăn nuôi heo theo hình thức khép kín chưa ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi thì tỷ lệ tái đàn rất nhanh. Đến nay, nhiều trang trại nuôi đến 2.500 con heo nái, có trang trại nuôi 8.000 - 10.000 con heo thịt. Tổng đàn heo của địa phương hiện khoảng 130.000 con, trong đó heo nái sinh sản 18.000 con. Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên - Huế, cho biết, sau khi thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường nên giá thịt heo ở địa phương đã giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. 

Cẩn trọng khi tái đàn

Theo ghi nhận, số heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi ở miền Trung chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số gia trại. Hiện tại một số địa phương có dịch đã được khống chế cơ bản nên người dân muốn tái đàn. Song theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được đẩy lùi, người chăn nuôi phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng, bởi nếu tự ý tái đàn, mất kiểm soát có thể khiến dịch bệnh bùng phát mạnh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. 

Bình ổn giá thịt heo sau đại dịch ảnh 2 Tăng cường công tác kiểm dịch khi tái đàn tại các khu vực từng xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, tính đến nay bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại hơn 170 xã thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh, khiến hơn 32.000 con heo mắc bệnh, buộc phải xử lý tiêu hủy với tổng trọng lượng khoảng 1.750 tấn, chiếm 2,6% tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng của cả tỉnh. Hiện diễn biến tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn có giảm hơn so với thời gian trước và đã từng bước được kiểm soát. Cơ quan chuyên môn cùng với chính quyền các địa phương đang hướng dẫn để cho người dân chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn phải rất thận trọng, từng bước, ở những cơ sở chăn nuôi, địa phương đã đảm bảo được các điều kiện an toàn dịch bệnh, chứ không tái đàn bằng mọi giá.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế, cho biết, hiện các doanh nghiệp, trang trại lớn đã tăng tổng đàn lên khoảng 15%, số lượng con giống đạt 160.000 con. Chi cục khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn mới tái đàn. Đồng thời, tổ chức phối hợp, thực hiện các mô hình chăn nuôi hữu cơ, trang trại quy mô lớn, cách ly môi trường xung quanh,…

Tại buổi làm việc với các sở, ban ngành và địa phương về việc triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân thay đổi tập quán chăn nuôi thô sơ; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương phải nắm chắc, theo dõi sát tình hình tái đàn heo ở địa phương để tham mưu tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ cho người dân trong quá trình thực hiện.

 Tăng cường nhập thịt đông lạnh từ Brazil
Thông tin từ Bộ Công thương ngày 17-1 cho biết, nhằm tích cực kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu trong nước, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Brazil đã, đang và mong muốn được xuất khẩu các sản phẩm thịt heo, gà của Brazil sang Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kinh tế Brazil, năm 2019, Brazil đã xuất khẩu sang Việt Nam 24,2 triệu USD thịt heo, tăng 87%; xuất khẩu 24,5 triệu USD thịt gà, tăng 16% so với năm 2018. Hiện tại, Brazil có 66 nhà máy chế biến thịt các loại đã được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam, trong đó mới chỉ có 18 nhà máy chế biến thịt heo.
Với mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam, Hiệp hội Thịt và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt Brazil đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Brazil tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp nhập khẩu tiềm năng từ Việt Nam; hỗ trợ thúc đẩy tiến trình phê duyệt các nhà máy sản xuất được phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Các doanh nghiệp của Brazil cũng nêu quan ngại về mức thuế đang được áp dụng cho các sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên tới 10 - 25%, làm giảm tính cạnh tranh của thịt Brazil tại thị trường Việt Nam.
PHÚC HẬU
Đồng Nai không tái đàn heo ồ ạt
Theo thống kê trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo của Đồng Nai dao động 2,5 - 2,8 triệu con. Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố với khoảng 450.000 con heo bị tiêu hủy, có tổng trọng lượng khoảng 24.000 tấn. Hiện đã có 53/119 xã công bố qua 30 ngày không tái phát dịch. Tổng kinh phí tỉnh Đồng Nai thực hiện chi hỗ trợ thiệt hại của dịch tả heo châu Phi là 1.629 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, cho rằng: “Hướng để tái đàn thành công là các trang trại nâng cao an toàn sinh học. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI làm khá tốt. Cụ thể là đàn heo của họ thiệt hại không nhiều. Các trang trại vừa qua bị dịch hoặc chưa dịch nhưng do áp lực dịch không chăn nuôi trở lại thì bây giờ có thể tái đàn bằng cách là liên kết với các doanh nghiệp lớn”.
Quan điểm của tỉnh Đồng Nai tại thời điểm này và trong thời gian tới là chú trọng tái đàn heo của các doanh nghiệp vì họ có điều kiện về giống, kỹ thuật và cơ sở vật chất có thể thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Hiện nay, tổng đàn heo nái sau dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn khoảng 200.000 con, đây là cơ sở để phục vụ cho tái đàn. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu có đủ các điều kiện thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì vẫn cho phép tái đàn heo.
TIẾN MINH

Các tin khác