Blackstone mua 20% cổ phần thời trang Versace

Hôm 27-2, người phát ngôn của hãng này nói rằng, Versace và quỹ đầu tư Blackstone đã đạt được một thỏa thuận về việc quỹ đổ tiền vào mua cổ phần của hãng, đồng thời cũng sẽ chi 60 triệu euro nữa để sở hữu một số lượng cổ phần không được công bố trong GIVI Holding, một công ty con của Versace.

Blackstone - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ đã chi 150 triệu euro để mua 20% cổ phần nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Versace, hiện đang thuộc sở hữu của gia đình Versace, đặt trụ sở ở Milan, miền bắc Italy.

Hôm 27-2, người phát ngôn của hãng này nói rằng, Versace và quỹ đầu tư Blackstone đã đạt được một thỏa thuận về việc quỹ đổ tiền vào mua cổ phần của hãng, đồng thời cũng sẽ chi 60 triệu euro nữa để sở hữu một số lượng cổ phần không được công bố trong GIVI Holding, một công ty con của Versace.

Với hai thỏa thuận này, Blackstone sẽ có đại diện của họ trong Hội đồng quản trị của Versace, hiện do bà Donatella Versace làm chủ tịch. Bà lên nắm quyền ở hãng này sau khi ông Gianni Versace, anh ruột bà và là người sáng lập thương hiệu Versace, bị sát hại ở Miami năm 1997.

Báo chí Italy đưa tin, Blackstone cũng đã định giá thương hiệu Versace trị giá 1 tỉ euro.

Phát biểu trước báo chí, bà Donatella Versace khẳng định rằng, với thỏa thuận mới cùng Blackstone, Versace sẽ tiếp tục là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới.

Versace được thành lập vào năm 1978, hiện nằm trong số những thương hiệu hàng tiêu dùng được ưa chuộng nhất trên thế giới. Doanh thu của hãng trong năm 2013 đạt 480 triệu euro, tăng 60 triệu euro so với năm 2012.

Báo chí Italy bình luận việc Versace bán 20% cổ phần cho Blackstone cho thấy, các thương hiệu lớn của Italy đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng khẳng định việc ngày càng nhiều thương hiệu nổi tiếng của nước này bị nước ngoài thôn tính do khủng hoảng kinh tế ở Italy.

Vài ngày trước khi thỏa thuận Versace-Blackstone được công bố, thương hiệu thời trang nổi tiếng Krizia đã thuộc về tập đoàn dệt may Shenzen Marisfolq của Trung Quốc, khi tập đoàn này đang tìm cách mở rộng thị trường.

Krizia được thành lập cách đây 60 năm và là một trong những nhãn thời trang nổi tiếng của Ý trên thế giới. Theo dự kiến, việc chuyển giao chủ sở hữu từ người Ý sang Trung Quốc của Krizia sẽ hoàn tất vào tháng 4/2014.

Trước đó, tập đoàn LVMH của Pháp đã mua thương hiệu Bulgari, Fendi, Emilio Pucci và Loro Piana, tập đoàn Kenring cũng của Pháp đã đầu tư vào Pomellato và Richard Ginori, trong khi các nhà đầu tư người Qatar đổ tiền vào Valentino và Pal Zileri.

Các tin khác