Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, hôm nay (18/4), Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương. Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đã được các địa phương nêu ra tại hội nghị.
Quý I, một số ngành công nghiệp chủ lực địa phương sụt giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2%, chỉ bằng 1/3 mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương trăn trở mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp chậm tiến độ…
Có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng về nguyên nhân chủ quan là việc chậm công bố quy hoạch (ngành, quốc gia, địa phương) dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực Công Thương; sự chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành làm ảnh hưởng tiến độ nhiều dự án.
"Đối với lĩnh vực chấp thuận chủ trương đầu tư, Nghị định 68 quy định đối với cụm công nghiệp thì không phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng khi Luật Đầu tư được ban hành lại quy định cụm công nghiệp vẫn phải làm thủ tục này. Hiện chúng tôi đang xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 68 và 66 về phát triển cụm công nghiệp sẽ theo hướng các địa phương đề xuất đó là thu gọn lại về một đầu mối", ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, cho biết.
Một ví dụ là mô hình outlet (trung tâm mua sắm, buôn bán cấp vùng) thành phố Hà Nội đang muốn phát triển nhằm thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên các quy định của pháp luật hiện còn nhiều vướng mắc.
"Bộ cũng cam kết trong ngày hôm nay sẽ đồng hành cùng với thành phố Hà Nội để làm sao nghiên cứu cụ thể các mô hình outlet trên thế giới, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cùng với Hà Nội để xây dựng lên, sau đó hoàn thiện các cơ sở pháp lý, làm cơ sở triển khai trên thực tế", ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quý I đầy khó khăn, vì vậy để đạt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8 - 9% ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8 - 9%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm trước, Bộ sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án tạo cú huých về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách một cách thực chất, quyết liệt.