Bồ Đào Nha lại khủng hoảng

Hôm thứ năm (10-7), tin tức ngân hàng lớn thứ hai Bồ Đào Nha Banco Espírito Santo (BES) ngưng giao dịch đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bị nhấn chìm. Liệu một cuộc khủng hoảng ngân hàng có tái bùng phát ở thành viên EU này?

Hôm thứ năm (10-7), tin tức ngân hàng lớn thứ hai Bồ Đào Nha Banco Espírito Santo (BES) ngưng giao dịch đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bị nhấn chìm. Liệu một cuộc khủng hoảng ngân hàng có tái bùng phát ở thành viên EU này?

Hạ tín nhiệm

Diễn biến này còn buộc 2 công ty Tây Ban Nha phải đình chỉ dịch vụ trái phiếu và mang lại những lo ngại đối với sức khỏe của toàn hệ thống ngân hàng EU, vốn vẫn còn còn yếu ớt. “Cuộc khủng hoảng tín dụng khu vực đồng EUR vẫn chưa chấm dứt” - Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của Ngân hàng BMO Private Bank, nói.

2 đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu là Moody's Investors Service và Standard & Poor's Ratings Services hôm thứ sáu (11-7) đã hạ bậc tín nhiệm tài chính của BES. S&P hạ 1 bậc tín nhiệm của BES xuống mức B+, chỉ cách mức đầu cơ 1 bậc, kèm theo triển vọng tiêu cực, trích dẫn rủi ro gia tăng do sự bất ổn trong quản lý hiện hành và tình hình tài chính bấp bênh của một số đơn vị trong ngân hàng.

Một HĐQT và đội ngũ quản lý mới dự kiến sẽ được chỉ định tại kỳ họp cổ đông sắp tới ngày 31-7. Hơn nữa, S&P cho rằng: “Các vị trí điều hành không chắc chắn tại công ty con của BES ở Angola cũng cho thấy thêm các rủi ro tài chính tiềm ẩn mà chúng tôi có thể không nắm bắt hết trong đánh giá hiện nay về khả năng thanh toán của ngân hàng”.

Trong khi đó, Moody's hạ tín nhiệm nợ dài hạn của BES xuống B3, còn cách mức đầu cơ 6 bậc, nêu những quan ngại về mức độ tín nhiệm của BES “trước đây được đánh giá cao do thiếu thông tin và các vòng rào của BES chống lại những rắc rối phát sinh từ công ty mẹ Espírito Santo Financial Group (ESFG) hoặc bất kỳ đơn vị nào khác trong tập đoàn”. Các công ty xếp hạng lưu ý có thể tiếp tục hạ bậc nợ dài hạn và xếp hạng tiền gửi của ngân hàng.

Không đáng lo?

Dù vậy, các thị trường bắt đầu hồi phục vào ngày 11-7. Chuyên gia Mark Thompson của hãng CNN cho rằng có 4 lý do để các nhà đầu tư có thể bình tĩnh trước khủng hoảng của BES. Thứ nhất, đây chỉ là vấn đề địa phương. BES có thể là một ngân hàng lớn của Bồ Đào Nha, nhưng nó chỉ chiếm chưa tới 1/5 tổng tài sản ngân hàng của nước này và chỉ chiếm 0,25% toàn bộ lĩnh vực ngân hàng ở eurozone.

BES cũng chỉ có hoạt động giới hạn ở khu vực quốc tế. Theo phân tích của Commerzbank, 72% khoản cho vay của BES là trong nước, ở nước ngoài chỉ có tại Angola (12%) và Tây Ban Nha (6%). Thứ hai, các nhà chức trách đã bắt tay chỉnh đốn. Các cơ quan chức năng Bồ Đào Nha đã buộc ngân hàng phải huy động 1 tỷ EUR để củng cố tài chính, và ngân hàng cũng bị giám sát trong quá trình bổ nhiệm lãnh đạo mới.

Điều này sẽ kết thúc sự kiểm soát của gia đình Espirito Santo và cải thiện quản trị doanh nghiệp tại ngân hàng. Những biện pháp này sẽ có tác dụng ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng cả Tập đoàn Espirito Santo, hiện đã bị rung chuyển bởi tiết lộ về những vi phạm tài chính và khả năng vỡ nợ.

Một chi nhánh BES ở Lisbon hôm 10-7.

Một chi nhánh BES ở Lisbon hôm 10-7.

Thứ ba, châu Âu đang hợp sức hành động. Các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra những công cụ giúp ổn định thị trường như việc thành lập quỹ cứu trợ thường trực (Cơ chế ổn định châu Âu - ESM) và đưa ra các yếu tố thiết yếu của một liên minh ngân hàng.

Hiện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét tài sản và khả năng phục hồi của các ngân hàng quan trọng nhất khu vực, trong khi các nước thành viên EU đã nhất trí những quy định về giải cứu hoặc để phá sản đối với các ngân hàng gặp rắc rối.

Thứ tư, Bồ Đào Nha đã “khỏe mạnh” hơn xưa. Khủng hoảng ở BES xảy ra chỉ 2 tháng kể từ khi Bồ Đào Nha thoát khỏi gói cứu trợ đau đớn của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Những cải cách mạnh tay đã khôi phục lại khả năng cạnh tranh của Bồ Đào Nha - nền kinh tế hiện đang tăng trưởng nhanh hơn so với eurozone và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm nhanh hơn so với các nơi khác.

Các tin khác