Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu trong báo cáo vừa được gửi đến đại biểu (ĐB) Quốc hội để chuẩn bị cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, sẽ diễn ra trong tuần sau.
Báo cáo cho biết, từ tháng 10-2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK), đã có 106/281 (khoảng 38%) trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.
Đối với phương tiện thủy, đã điều tra, khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo và đăng kiểm viên của Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN). Đến thời điểm hiện nay, có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 trung tâm (TTĐK), 4 chi cục đăng kiểm; khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau.
Việc tạm dừng TTĐK và thiếu hụt đăng kiểm viên đã dẫn đến ùn ứ trong việc phục vụ người dân; đặc biệt có những thời điểm, tại Hà Nội chỉ có 6/31 (khoảng 19%) và TPHCM có 8/19 (khoảng 42%) TTĐK hoạt động, tạo ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt, nhiều giải pháp đã được triển khai và đến nay đã khôi phục lại 73 đơn vị, nâng tổng số đơn vị đang hoạt động là 249/281 đơn vị.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, còn 32 đơn vị chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại. Tại Hà Nội, hiện có 26/31 đơn vị đăng kiểm hoạt động, mới chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu kiểm định và TPHCM có 16/19 đơn vị đăng kiểm hoạt động, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, do số lượng phương tiện bị ùn tắc, quá hạn đăng kiểm cộng dồn trong nhiều tháng vừa qua…
“Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của bộ khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục ĐKVN. Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu của bộ cũng chưa sát sao, kịp thời nhận diện những bất cập, phát sinh để tham mưu cho bộ chỉ đạo sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu”, người đứng đầu ngành GTVT nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Thắng cũng đã thông tin về kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên có liên quan đến sự vụ mà ông gọi là “khủng hoảng trong lĩnh vực đăng kiểm”. Trong đó, đã đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 24 đảng viên; khai trừ khỏi Đảng đối với 49 đảng viên; 10 chi bộ đảng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Bộ GTVT xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với Cục trưởng Cục ĐKVN (đã bị khởi tố, bắt tạm giam).
Nêu giải pháp khắc phục trước mắt, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đang tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm để khẩn trương sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng đăng kiểm viên và tình hình ùn tắc tại các TTĐK trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM như: yêu cầu các TTĐK bố trí làm việc thêm giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật, ngày lễ; khuyến cáo, thông tin kịp thời đến người dân và doanh nghiệp về việc chủ động bảo dưỡng sửa chữa phương tiện trước khi đưa xe đăng kiểm; ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đăng ký lịch đăng kiểm…
Bộ cũng ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đã giảm được khoảng 500.000 lượt đăng kiểm đối với xe đăng kiểm lần đầu, giảm tải cho các TTĐK cũng như kéo dài chu kỳ kiểm định cho xe đang lưu hành. Thông tư nhận được nhiều phản ánh tích cực từ cộng đồng, người dân.
Cùng với đó, Bộ GTVT xây dựng đề án “Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý nhằm nâng cao trách hiệu quả quản lý nhà nước của từng cơ quan, từ trung ương đến địa phương trong quản lý hoạt động đăng kiểm…