Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)
Nguyên do là trong giờ chào cờ vào ngày 31-10, hai con của ông Điệp (đang học lớp 1 và lớp 5) cùng nhiều học sinh khác tại Trường Tiểu học Sơn Lâm bị hiệu trưởng gọi đứng lên giữa giờ chào cờ vì chưa nộp tiền Bảo hiểm y tế bắt buộc. Việc Công an huyện Hương Sơn khởi tố ông Võ Văn Điệp là cần thiết, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, giữ nghiêm trật tự xã hội, vì sự an toàn của trường học.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm vì có hành vi vi phạm Luật Trẻ em, vi phạm đạo đức nhà giáo và vi phạm các quy định khác của ngành giáo dục. Nếu xem xét ở góc độ pháp luật, hành vi của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm có phải là hành vi làm nhục người khác được quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015; kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em được quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 47 Luật Trẻ em 2016 hay không? Theo Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng và buộc công khai xin lỗi người bị xúc phạm.
Nhìn ở góc độ tâm lý học sư phạm, hành động của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm là phản giáo dục, tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Là nhà sư phạm, việc bêu tên học trò trước hàng trăm học sinh và thầy cô trong giờ chào cờ như vậy là điều không thể chấp nhận được. Còn ở góc độ xã hội, hành vi của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm có thể gây ra vết thương cho tâm hồn thơ ngây của trẻ.
Trong môi trường sư phạm không thể để tồn tại hành vi bêu riếu người khác trước đám đông, đặc biệt là đối với trẻ em. Trong mỗi con người đều có ưu và khuyết điểm, nhiệm vụ của giáo dục ngoài dạy kiến thức phổ thông còn phải giáo dục hình thành nhân cách học sinh, mà cái chính là giúp trẻ phát huy ưu điểm và cố gắng vượt qua, hạn chế, khắc chế khuyết điểm chứ không phải là làm ra một con người không có khuyết điểm. Môi trường giáo dục không thể chấp nhận tồn tại những phương pháp phản giáo dục, tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách và sự phát triển bình thường của trẻ.