Những số báo gần đây, ĐTTC đã có loạt bài viết về tác động của việc bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch BĐS qua sàn và áp lực lên đội ngũ môi giới có thể làm lệch lạc thị trường. Nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp BĐS, đặc biệt từ chính các sàn giao dịch (SGD):
Ông VŨ CƯƠNG QUYẾT, Tổng giám đốc SGD Đất Xanh miền Bắc:
Minh bạch hóa thị trường
Nếu xét riêng về các SGD, tôi nghĩ rằng không cần phải quá lo lắng. Thị trường BĐS suy yếu nhiều năm qua khiến các sàn bộc lộ nhiều điểm yếu, có những đơn vị làm ăn chụp giật đã dần bị loại, nhưng đồng thời cũng giúp hình thành những đơn vị phân phối mang tính chuyên nghiệp. Bỏ bắt buộc giao dịch qua sàn, dĩ nhiên sẽ tạo áp lực nhưng tôi nghĩ sẽ không nhiều.
Thứ nhất, việc thành lập SGD mới sẽ thận trọng hơn bởi cạnh tranh khốc liệt, không phải cứ mở sàn sẽ thắng. Thứ hai, các đơn vị kinh doanh không còn mặn mà thành lập sàn khi việc điều hành sẽ vất vả hơn thuê 1 đơn vị phân phối độc lập.
Riêng mối lo về việc môi giới BĐS không chuyên hay cò nhà đất sẽ hoành hành trở lại là có thực nhưng không đáng ngại. Lý do vì thị trường BĐS đã khác trước nhiều, chủ đầu tư khác, khách hàng khác.
Chủ đầu tư sẽ phải thận trọng khi lựa chọn đơn vị môi giới bởi chỉ cần 1 lần chụp giật, khách hàng sẽ mất lòng tin ngay, điều đó không ai mong muốn. Bên cạnh đó, sắp tới cơ quan chức năng sẽ có những quy định siết chứng chỉ hành nghề, đó là điều cần thiết để minh bạch hóa thị trường.
Ông NGUYỄN QUỐC KHÁNH, Chủ tịch Liên minh SGD BĐS G5:
Sự phân hóa ngày càng rõ rệt
Khi bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch qua sàn, sẽ có 2 tình thuống xảy ra. Thứ nhất, số sàn thành lập tự phát sẽ xuất hiện nhiều hơn. Thứ hai, chủ đầu tư sẽ tự bán BĐS, không qua đơn vị trung gian, môi giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, điều này sẽ không tạo nên đột biến lớn trên thị trường.
Lý do sự xuất hiện của SGD 8 năm qua, đặc biệt là hoạt động của một số sàn chuyên nghiệp thời gian gần đây đã tạo ra thói quen của khách hàng về giao dịch qua sàn. Giai đoạn các sàn “trăm hoa đua nở” đã giảm bớt, còn lại là những đơn vị dài hạn và chuyên nghiệp được duy trì.
Các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án đã ý thức được việc đơn vị bán hàng riêng, nhà phát triển dự án riêng, các khâu được phân vai rõ ràng. Tôi cũng nghĩ sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhiều hơn khi các đơn vị mới tăng lên.
Tuy nhiên, khi bỏ quy định bắt buộc qua SGD, việc giám sát phải chặt chẽ, tránh tạo lỗ hổng trong quản lý. Sàn là 1 trong những cách minh bạch hóa thông tin nhưng nay không bắt buộc minh bạch sẽ như thế nào? Thí dụ, có ý kiến yêu cầu các đơn vị khi mở bán phải đăng ký với Sở Xây dựng. Nhưng thực tế việc phân phối qua sàn đã hết giai đoạn chụp giật, các SGD đều có ý thức cần phải làm việc chuyên nghiệp để tạo uy tín với khách hàng, tạo sức hút cho sàn của mình.
Ảnh minh họa: L.THANH |
Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Tổng giám đốc Công ty BĐS Hanhud:
Cò không còn đất lũng đoạn
Cò là một cái danh xấu đối với những người làm môi giới BĐS và không thể phủ nhận điều này vì trên thị trường có những người làm ăn thiếu lành mạnh, đẩy giá, thổi giá gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trên thực tế, luật đã quy định người làm môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, luật chưa có quy định xử phạt người không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hoạt động môi giới nên dẫn đến tình trạng lộn xộn như hiện nay. Chính vì vậy, lo ngại khi bỏ bắt buộc giao dịch qua sàn sẽ tạo thêm “đất” cho cò tung hoành không phải không có lý. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra bởi chủ đầu tư hay khách hàng hiện nay đều đã tỉnh táo hơn nhiều, không còn đổ xô vào BĐS một cách thiếu suy nghĩ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần có nhiều tổ chức kết hợp với các cơ quan quản lý, các hiệp hội, tổ chức ngành nghề cùng chung tay, thống nhất để tạo thành một hệ thống đào tạo giúp hoạt động của đội ngũ môi giới BĐS nói riêng và trong lĩnh vực BĐS nói chung trở nên chuyên nghiệp và minh bạch hóa hơn.