Vốn điều lệ (VĐL) tăng, thanh khoản tăng, giá tăng đang là một mô hình thời thượng trên TTCK. Nhưng cái gì cũng có 2 mặt và mô hình này cũng tiềm ẩn những rủi ro.
Tăng giá quá đà
Cách đây chưa lâu, tại một vài CTCK đã xảy ra tình trạng cạn margin, buộc lòng phải dừng cung cấp dịch vụ này trong vài ngày để cân nguồn và tìm kiếm những nguồn tiền mới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cạn margin của CTCK. Chẳng hạn CTCK hết tiền, chưa tìm được nguồn tiền mới, nhưng đáng chú ý hơn là việc tiền margin đã đổ quá nhiều vào một vài CP, dẫn đến việc không thể cấp cho các mã khác. Điều này có thật hay không và thật đến đâu chỉ CTCK biết rõ, nhưng chắc chắn việc dòng tiền trên TTCK tập trung quá nhiều vào một hay vài mã CP là có thật.
Muốn xác định điều này cũng khá đơn giản, chỉ cần xác định những CP nào có thanh khoản thuộc tốp đầu thị trường và thời gian duy trì vị thế của mình. Cần nói rõ việc CP thu hút nhiều tiền, thanh khoản cao là bình thường nếu nó đến từ những nguyên nhân hợp lý.
Thí dụ, CP của các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, CP có tin tốt, CP vào sóng tăng giá, CP có tính đầu cơ cao… Ngay cả nguyên nhân, CP có thanh khoản cao, vốn hóa lớn, được ETF chú ý, đưa vào danh mục cũng rất bình thường. Ở đây, có thể thấy thanh khoản là hệ quả được tạo nên từ những yếu tố tích cực khác, hay nói nôm na là CP có gì đó hay, người ta mới mua vào, thanh khoản tăng.
Thoạt nhìn, mô hình VĐL tăng, thanh khoản tăng, dẫn đến giá tăng có vẻ hấp dẫn vì chỉ cần kéo một yếu tố tăng, các yếu tố còn lại hưởng lợi. Chẳng hạn giá tăng dẫn đến thanh khoản tăng, có thể tạo ra cơ hội tăng VĐL. Tăng VĐL xong có khi vốn hóa tăng, lại có thể kéo theo lực mua vào từ các quỹ mô phỏng thị trường (ETF), dẫn đến giá lại tăng, thanh khoản tăng.
Tuy nhiên, việc CP tăng giá, doanh nghiệp tăng vốn nếu có tính nền tảng, phải xuất phát từ những yếu tố cơ bản như hoạt động, tiềm năng, cổ tức. Cái gì quá đà tất nhiên không tốt. Giai đoạn 2006-2007, giá của nhiều CP đã tăng một cách quá đà, tạo ra bong bóng về giá. Hệ quả như đã thấy: giá giảm mạnh trong thời gian dài. Hiện tại, bong bóng về giá ít đi hẳn, lại có thể xuất hiện bong bóng về thanh khoản, nhất là những trường hợp CP có thanh khoản cao, trong thời gian dài nhưng các yếu tố cơ bản là chưa rõ ràng.
Nhiều yếu tố tác động
Thử đặt giả thiết, nếu có bong bóng về thanh khoản, thị trường sẽ chịu những ảnh hưởng nào? Về mặt tích cực, CP có thanh khoản cao cũng góp phần giúp thanh khoản chung tăng theo. Chưa kể, thanh khoản tốt, có thể giúp CP tăng giá, vốn hóa tăng, cũng góp phần củng cố vốn hóa của thị trường chung, đồng thời tạo ra cơ hội cho các NĐT.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản bị đẩy lên quá cao bởi những yếu tố thiếu nền tảng, hoặc quá tập trung cho thanh khoản của CP, rủi ro có thể xuất hiện. Cả 3 yếu tố thanh khoản, vốn hóa, VĐL sẽ chỉ duy trì được nếu doanh nghiệp niêm yết hoạt động một cách hiệu quả. Trường hợp VĐL tăng quá nhanh, cốt để duy trì vị thế về vốn hóa hay thanh khoản, có thể dẫn đến sức ép về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Lịch sử đã từng có những CP người mua chỉ đơn thuần mua vì nhận thấy có khả năng tăng giá, hoặc do CP có truyền thống thị trường tăng, giá tăng theo. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của nhóm CP này cũng chỉ trong một giai đoạn và sau đó là giai đoạn bị đào thải. Vậy nên mô hình VĐL, vốn hóa và thanh khoản có thể hấp dẫn trong giai đoạn này, nhưng cũng có khả năng bị thay thế bởi một mô hình khác.
Nếu CP có thanh khoản cao, vốn hóa lớn, nhưng hiệu quả không ấn tượng sẽ dễ dàng bị so sánh với những CP khác. Khi NĐT đã chán, CP cũng không còn “vị”, có khi sự so sánh còn khắc nghiệt hơn và đây cũng có thể là lúc bong bóng thanh khoản xẹp dần. Ngoài chuyện so sánh các yếu tố cơ bản, ngay tại trận địa về thanh khoản, vốn hóa, sự khắc nghiệt cũng rất rõ ràng.
Vài tháng trước, không ai nghĩ ngân hàng sẽ trở thành nhóm CP dẫn dắt thị trường, dù rằng nhóm CP này hội tụ đủ các yếu tố như VĐL lớn, vốn hóa lớn. Chỉ cần một số thông tin tốt, một số đợt sóng có thể khiến CP từ chỗ “ngủ yên” trở thành siêu thanh khoản. Trong khi những CP siêu thanh khoản, nhưng thiếu nền tảng sẽ khó có khả năng công bố những thông tin tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh, hay nói đơn giản hơn là “ít bài” và “bài” chủ yếu nằm ở hoạt động tăng vốn và đây cũng là hạn chế so với những ông lớn thực sự.
NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH |
Ngoài ra, các hoạt động M&A cũng dễ dàng giúp VĐL, vốn hóa của doanh nghiệp tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn. Đó là chưa kể đến việc các doanh nghiệp lớn, đầu ngành vẫn tiếp tục niêm yết, dẫn đến vị thế về thanh khoản rất dễ dàng bị đảo lộn. Từ trước đến nay, vẫn luôn tồn tại một nghi vấn trên thị trường về việc “nuôi” thanh khoản cho CP.
Chưa cần biết có hay không, nhưng nếu có thật chăng nữa chắc chắn đây không phải là chiêu gì quá đặc biệt và lợi thế không thuộc về thiểu số nào nếu thực hiện. Thanh khoản cao, VĐL khủng, vốn hóa lớn nếu diễn biến một cách chừng mực sẽ tạo ra nét tích cực cho thị trường, nhưng thái quá có thể là bong bóng cho chính CP, doanh nghiệp và các NĐT đến sau cùng.