Bùng nổ học hộ, thi hộ của sinh viên

(ĐTTCO) - Học hộ thi hộ thời gian gần đây trở thành dịch vụ đắt khách, hoạt động rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Đang quen môi trường học tập, nhiều sinh viên coi học hộ, thi hộ như một nghề “việc nhẹ lương cao”.

Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

Có cầu có cung

Chỉ cần gõ từ khóa “học hộ thi hộ” trên Facebook, hàng trăm nhóm lớn, nhóm nhỏ hoạt động dịch vụ này. Có nhiều nhóm hoạt động riêng tư, nhưng không ít nhóm hoạt động công khai, khoảng hơn 10 bài viết/ngày với số lượng “khủng” thành viên. Có thể dễ dàng tham gia những nhóm lớn như Học thuê - Học hộ uy tín 100% 2023 với 31.000 thành viên; Học hộ - thi hộ với 86.000 thành viên; Hỗ trợ học tập (support môn học, tiểu luận, đồ án, học hộ thi hộ) với 38.000 thành viên…

Sau khi tham gia nhóm, người muốn thuê học hộ thi hộ sẽ đăng bài dưới dạng ẩn danh, có thể dùng nick chính hoặc nick ảo với những thông tin cơ bản như thời gian học, địa điểm học, tên môn học, giá cả và một số yêu cầu về ngoại hình và tác phong của người học hộ. Chỉ vài phút sau khi bài được đăng, xuất hiện vài chục bình luận của những người làm dịch vụ học hộ thi hộ. Sau đó, chủ bài đăng sẽ chọn lựa và có một cuộc trao đổi riêng với người định thuê qua tin nhắn trên Messenger.

Bên cạnh đó, các nhóm chat cộng đồng học hộ thi hộ cũng hình thành với hàng ngàn thành viên tham gia. Bạn L.K.H. (21 tuổi, Thanh Hóa) cho biết: “Do bận việc riêng, mình có đôi lần chủ động tham gia nhóm để nhắn tìm người học hộ. Vài phút sau đó, mình nhận được rất nhiều tin nhắn chờ và chọn được một bạn nhắn sớm nhất để trao đổi thông tin, thỏa thuận về giá cả”.

Hoạt động trong nhóm chat này, ngoài tin nhắn của người thuê, còn có nhiều tin nhắn của người làm dịch vụ học hộ thi hộ chủ động tìm khách. Người làm dịch vụ sẽ cho biết những ngành học họ am hiểu, khu vực và thời gian họ có thể đi. Sau đó, khách sẽ chủ động nhắn tin riêng để trao đổi.

Theo tìm hiểu, cuộc trao đổi giữa người thuê và người học hộ tùy theo tính chất môn học và sự khó dễ của giảng viên. Người thuê sẽ cung cấp một vài thông tin cá nhân, tên giảng viên, phòng học, thời gian học, tên môn học để người học hộ nắm được. Yêu cầu với người học hộ là đến đúng giờ, điểm danh, có chụp ảnh minh chứng vào đầu và cuối buổi học.

Nếu giảng viên hay gọi phát biểu, người thuê sẽ cung cấp thêm tài liệu của các buổi học trước để nắm được nội dung học, còn nếu là môn tiếng anh người học hộ cần phải biết tiếng, kèm minh chứng.

Giá học hộ 2 tiếng trung bình khoảng 50.000-120.000 đồng. Nếu có bài kiểm tra đột xuất, người thuê sẽ phải trả thêm 50.000-70.000 đồng hoặc hơn. Thông thường, người thuê phải cọc trước một nửa giá hoặc học xong mới trả tiền. Việc tìm người học hộ không khó, giá thuê càng cao càng dễ tìm người.

Sinh viên bất chấp kiếm tiền…

Người thuê và người học hộ thi hộ chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Theo tìm hiểu, người thuê vì lý do bận việc nhưng mong muốn hoàn thành môn học nên chủ động tìm kiếm dịch vụ này.

Bạn Đ.H.N. (21 tuổi, Lạng Sơn) cho biết: “Mình có khoảng 1 năm vừa học vừa đi kiếm tiền bằng học hộ. Có thời gian rảnh nhận việc qua nhóm Zalo Hỗ trợ học và thi. Có tuần cao điểm kiếm được khoảng 1 triệu đồng”.

Theo chia sẻ của bạn Đ.H.N, vừa muốn có tiền vừa không ảnh hưởng đến thời gian lên lớp, nhận học hộ thi hộ là “việc nhẹ lương cao” hơn nhiều so với bưng bê mà đỡ vất vả hơn. Hơn nữa, nhu cầu thuê người học hộ rất lớn nên không thiếu việc làm mỗi khi rảnh rỗi.

Tham gia dịch vụ, cả người thuê và người học hộ, thi hộ đều lường trước được những rủi ro có thể xảy ra như: bị giảng viên bắt được, bị kỷ luật theo quy định... Đã có trường hợp người học hộ do bạn L.K.H. thuê đã bị giảng viên bắt. Theo chia sẻ, khi bị bắt, bạn học hộ hoảng loạn, lên xin giảng viên và khai ra người thuê, sau đó đi về và bị trừ 50.000 đồng so với giá thỏa thuận ban đầu.

Thông thường, lợi dụng lớp học đông sinh viên, giảng viên dễ tính, người học hộ sẽ dễ dàng “qua mắt” được giảng viên. Để hạn chế tối đa rủi ro, người thuê sẽ “phím” cho người học hộ một số lưu ý về tính cách giảng viên, cách thức học, chỗ ngồi. “Người thuê sẽ bảo mình ngồi chỗ nào trong lớp, đeo khẩu trang, không nói chuyện.

Những tình huống bất ngờ xảy ra như phải làm bài kiểm tra, phải hoạt động nhóm, mình sẽ trao đổi ngay với người thuê. Người đó sẽ cho mình thông tin liên lạc của một bạn trong lớp để chép bài, ghép nhóm, có tính phí công chép. Nhiều bạn biết mình học hộ, nhưng cứ bỏ qua thôi” - bạn Đ.H.N. chia sẻ thêm.

Ngoài học hộ, nhiều trường hợp còn thuê người thi hộ. Việc thi hộ, phí phải trả cao hơn nhiều so với phí học hộ. Trong vai vào người tìm kiếm dịch vụ thi hộ, chúng tôi không khó thấy những bình luận trong nhóm Facebook nhận làm giả thẻ sinh viên không cần cọc tiền hoặc cọc tiền trước. Hỏi dò giá cả, một tài khoản Zalo tên H. cho biết chỉ hỗ trợ online với mức giá từ 350.000-450.000 đồng.

Trao đổi chúng tôi về vấn nạn trên, Th.S Nguyễn Thiều Tuấn Long, giảng viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết: “Hiện tượng gian lận học thuật tràn lan tại Việt Nam hiện nay không phải hiếm mà đang trở thành "căn bệnh của xã hội".

Hệ quả của việc "học thì láo mà báo cáo thì hay" của sinh viên hôm nay sẽ là chuyện gian lận trong công việc và sản xuất của người lao động sau này. Nếu xã hội chỉ đổ lỗi cho người học mà không chịu thừa nhận thiếu sót trong cách thức giáo dục thế hệ trẻ hiện nay, thì căn bệnh này vẫn sẽ còn đó và không bao giờ chấm dứt được. Do đó, cần phải có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra để sớm chặn đứng tình trạng này”.

Các tin khác