Ngày 16-10, VN Index đã tiến sát ngưỡng 600 điểm nhưng không thể vượt qua. 1 tuần sau đó vào phiên 23-10, chỉ số này đã chinh phục ngưỡng tâm lý quan trọng một cách rất thuyết phục. Kết thúc phiên, VN Index tăng 6,66 điểm, tương đương 1,12% đạt 601,74 điểm, HNX Index tăng 0,14 điểm, tương đương 0,17%, đạt 81,55 điểm.
Vất vả vượt qua mốc 600
Còn nhớ, phiên 16-10, khi VN Index tiệm cận đến 610 điểm, tâm lý của nhiều NĐT khá rụt rè, GTGD khớp lệnh của cả phiên chỉ đạt xấp xỉ 2.100 tỷ đồng. Và ngay tại vùng gần 600 điểm, lực bán ra khá quyết liệt, một phần vì chốt lời, một phần xuất phát từ tâm lý nghi ngờ khả năng VN Index vượt 600 điểm. Điều này là có cơ sở, bởi nhìn lại lịch sử những lần vượt 600 điểm của VN Index đều có những sự vất vả nhất định, thay vì “phi” một mạch qua đỉnh này. Diễn biến những phiên giao dịch sau ngày 16-10 càng củng cố cho dữ liệu lịch sử khi thị trường thay đổi cực kỳ bất ngờ giữa buổi sáng/buổi chiều, đầu phiên/cuối phiên.
Một xu hướng phổ biến khi thị trường tăng thường tất cả các nhóm CP sẽ lần lượt đến “thời” của mình, chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Nghĩa là NĐT nào cũng có thể có “quà” cho khoản đầu tư của mình, miễn là giải ngân một cách hợp lý. |
Trong 3 phiên 19, 20 và 2-10, VN Index đều tăng điểm khá tốt vào đầu phiên, nhưng đến buổi chiều lực bán lại được tung ra mạnh mẽ để từ VN Index tăng mạnh chỉ còn tăng nhẹ hoặc thậm chí quay đầu giảm.
Thậm chí, đến ngày 22-10, dù VN Index từ mốc 590 điểm tăng lên lại 595 điểm sự bi quan vẫn chưa chấm dứt bởi 2 lý do: Thứ nhất, thị trường vẫn diễn biến theo kiểu xanh vỏ đỏ lòng, chỉ tăng nhờ một số trụ cột và một số CP đã điều chỉnh từ 5-10% chỉ sau 4-5 phiên. Dư âm về việc VN Index vượt ngưỡng 600 điểm bất thành vẫn còn đó, dù một số NĐT có kinh nghiệm khẳng định việc này bình thường. Thậm chí còn cho rằng VN Index có thể đi ngang quanh vùng 590 điểm cũng được, chỉ cần CP trong danh mục của mình tăng là ổn.
Thứ hai, thanh khoản trong suốt tuần qua không phát ra tín hiệu gì tích cực, tính từ 19 đến 23-10, GTGD khớp lệnh tại HOSE chỉ có 1 phiên đạt trên 2.000 tỷ đồng, còn lại nằm trong khoảng 1.700 tỷ đồng/phiên. Lập luận được đưa ra là tiền không chảy vào thêm khó mà “đẩy” thị trường tăng. Điều này đúng nhưng cũng chỉ có tính tương đối, bởi phiên 23-10 VN Index đã tăng theo một cách rất lý tưởng, nhưng cũng đầy bất ngờ và mạo hiểm.
Nói như vậy bởi thị trường thường tăng trong nghi ngờ về việc VN Index có vượt 600 điểm hay không, rồi nghi ngờ về thanh khoản. Nhưng VN Index vượt 600 điểm khá dễ dàng, chỉ sau khoảng 1 giờ giao dịch đầu tiên, chính vì điều này nên nhiều NĐT còn phân vân giữa việc chỉ số này có thực sự vượt qua không hay chỉ là bull trap (bẫy tăng giá). Chỉ số tiếp tục ở ngưỡng trên 600 điểm trong phiên chiều và chỉ có khoảng 5-10 phút chạm ngưỡng 600 điểm để tạo ra đôi chút kịch tính.
Vẫn là hiệu ứng từ NĐTNN
Cần nói rõ có thể thanh khoản thấp, GTGD phiên 23-10 chỉ hơn 1.700 tỷ đồng tại HOSE, cho thấy chưa có tiền mới đổ vào. Nhưng thanh khoản thấp cũng đồng nghĩa với việc lượng bán ra cũng ít đi và là cơ hội để CP tăng giá một cách dễ dàng hơn. Minh chứng rõ nhất là những CP tăng giá mạnh, góp phần đáng kể cho VN Index như BVH hay VCB đều có khối lượng dư mua không cao. Dư mua không cao, nhưng giá vẫn tăng cho thấy bên bán chỉ chấp nhận ra hàng với giá cao thay vì bán bằng mọi giá, còn bên mua cũng ra tay mạnh mẽ hơn thay vì trả giá từng bước.
Thêm một động lực nữa cho thị trường chính là việc NĐTNN trong 4 phiên liên tiếp từ 20 đến 23-10 với tổng giá trị đạt 200 tỷ đồng tại HOSE. Trong đó, phiên 23-10 là phiên VN Index vượt 600 điểm thì khối ngoại cũng đã mua ròng đến 110 tỷ đồng, điều này trái ngược hẳn với việc họ bán ròng gần 10 tỷ đồng trong phiên 16-10, phiên mà VN Index cũng tiệm cận ngưỡng 600 điểm nhưng không thể chinh phục.
Động thái của NĐTNN thực ra cũng không có gì bất ngờ khi thị trường vẫn còn những nghi ngờ, bởi trong phiên nhiều CP vẫn được bán ra với giá rẻ, đó cũng là lúc khối ngoại ra tay mua vào. Thị trường tăng cộng với việc NĐTNN mua vào luôn tạo ra những hiệu ứng tích cực cả về mặt giao dịch lẫn tâm lý chung.
Kỳ vọng thêm dòng tiền mới
VN Index đã nhẹ nhàng vượt 600 điểm và câu hỏi giờ đây là khả năng chỉ số này có thể trụ vững được hay không? Khi thị trường tăng mà thanh khoản thấp, thường đồng nghĩa với việc nhiều NĐT vẫn chưa thể tham gia, tức những người đang có tỷ trọng tiền mặt lớn, sau tâm lý nghi ngờ sẽ là tâm lý… khó chịu. Nhìn thấy thị trường tăng lại đang cầm tiền mặt không mua xem như lỡ cơ hội, mới chỉ 2 phiên 22 và 23-10 (thị trường tăng lại) chưa là gì, nhưng nếu thị trường tiếp tục tăng từ 5 phiên trở lên xem chừng những người cầm tiền sẽ còn khó xử nhiều hơn nữa.
Tuần này sẽ là tuần cao điểm nhất trong mùa công bố BCTC quý III-2015, nên nhiều CP sẽ có được yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là những CP lớn. Như vậy, chưa cần các CP tăng giá đồng loạt mà chỉ cần một CP trong top 5 hoặc top 10 vốn hóa tăng mạnh, VN Index có thể vượt xa mốc 600 điểm.
Một điểm cũng có thể “gây khó” cho các NĐT đang cầm tiền mặt chính là việc thanh khoản chưa cao nên khi giải ngân cũng khó lòng “xuống tay” mạnh, vì như vậy có thể đẩy giá CP lên cao và cuối cùng phải mua giá cao. Nếu thị trường bộc lộ khi tín hiệu có sóng mạnh và những người cầm tiền đứng ở ngoài quá lâu, có thể dẫn đến việc mua gấp gáp và tạo ra những phiên tăng khoảng từ 8-10 điểm.
Liệu mốc 600 điểm lần 2 có bền vững hay không? Ảnh: LONG THANH |
Kịch bản này, nếu có xảy ra cũng được xem là “đỡ khó chịu” nhất vì với cách tăng thuyết phục như vậy, một sóng tăng xem như được thiết lập cho thị trường. Khó chịu hơn cả vẫn là việc VN Index “dùng dằng” quanh mốc 600 điểm, những NĐT cầm tiền vẫn chờ cơ hội chỉ số này giảm xuống để mua lại.
Tuy nhiên, đến khi VN Index “nhún xuống” dưới 600 điểm lại e ngại không mua. Có thể chỉ số tăng chậm hoặc không tăng, nhưng rất nhiều CP đã tăng giá trước, điều này đã xảy ra trong 2 tuần qua khi nhiều CP đã hình thành uptrend (xu hướng lên) cho riêng mình.
Nhiều khả năng VN Index sẽ đón thêm dòng tiền mới trong tuần này và đây cũng là động lực chính để chỉ số này tiếp tục trụ vững trên ngưỡng 600 điểm và tạo ra cục diện tích cực cho TTCK. Nhưng vấn đề của NĐT là để có được lợi nhuận, việc chọn lựa CP sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc quan sát diễn biến của thị trường chung.