Khó duy trì đà tăng trưởng thị phần
Đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt tầng lớp phổ thông có thu nhập thấp. Trong đó, tiêu thụ các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được đánh dấu năm giảm thứ 2 liên tiếp (năm 2020 giảm 7%, năm 2021 giảm trên 10%).
Ngành sữa nói riêng thì sau khi ghi nhận mức giảm 6% trong 2020 và 7% trong quý I-2021, đã có bước phục hồi với mức tăng lần lượt là 3%, 1% và 2% trong 3 quý còn lại của năm.
Nhờ tổ chức quản lý tốt hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hoá nhất là trong đỉnh điểm dịch Covid-19 vào quý III-2021, VNM đã tăng thêm 1% thị phần (điển hình là nhóm sữa nước, sữa đặc) khi hoạt động kinh doanh của các đối thủ bị gián đoạn bởi dịch.
Tuy nhiên, ở thị phần trên 60% như hiện tại, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) không đánh giá cao việc tiếp tục tăng trưởng thị phần trong tương lai. Đơn cử là doanh số nội địa sau khi tăng 20% vào tháng 10-2021 (một phần do yếu tố nền thấp) thì cả quý IV-2021 chỉ tăng trưởng 7%.
Dự báo lợi nhuận tăng nhẹ trong năm 2022
Ngoài tác động từ đại dịch, VNM còn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi giá nguyên liệu đầu vào. Theo thống kê, giá sữa nguyên kem (WMP) và sữa tách béo (SMP) đã có mức tăng 25% và 34% trong 12 tháng trở lại đây.
Để giảm áp lực giá nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ tăng giá bán để bù đắp. Cụ thể, VNM đã có 2 đợt tăng vào tháng 12-2021 và 1-2022 với tổng mức tăng gần 5%. Theo BVSC, nếu tình hình giá nguyên liệu không biến động mạnh, giá bán của VNM khó sẽ tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu vẫn yếu.
Cũng theo BVSC, doanh thu năm 2022 của VNM ước đạt 64.931 tỷ đồng (tăng 6,6%), lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 10.890 tỷ đồng (tăng 3,4%). Với giả định biên lợi nhuận giảm nhẹ, EPS dự phóng 4.761 đồng/CP, tương ứng với P/E 2022 đạt 17,1x.
Với mức P/E dự phóng 2022 đạt 17,1x, VNM đang giao dịch thấp hơn P/E 20x bình quân 5 năm và P/E 25x bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực. Tuy nhiên trong ngắn hạn, với triển vọng tăng trưởng không nhiều do nhu cầu hồi phục chậm, thị phần đã ở mức cao và rủi ro giá đầu vào, VNM ít có những yếu tố tích cực để CP được thị trường đánh giá lại.
Từ nhận định trên, BVSC khuyến nghị mua VNM với giá mục tiêu 91.000 đồng/CP, tương ứng với P/E mục tiêu 19,1x cho 2022 và 16,9x cho 2023.