Lan tỏa từ thành thị đến nông thôn
Hình ảnh những bờ sông, con kênh, trục đường... nhếch nhác đầy túi nilon, chai nhựa và hình ảnh các bạn trẻ, kể cả các bậc cao niên sau đó "tạo dáng" bên những bao rác vừa dọn dẹp gọn gàng, trông thật dễ thương. Bên dòng Hương, đoạn trước mặt Trường THPT Quốc học Huế, hàng trăm thành viên đến từ các câu lạc bộ tập thể dục buổi sáng chủ nhật, đã thay giờ nhảy bằng giờ đi bộ nhặt rác quanh công viên Lý Tự Trọng. “Việc nhặt rác là để lan tỏa ý thức vệ sinh cho mọi người, vì thành phố của mình” - anh Thương cùng mọi người nhặt rác ở đây nói.
Hình ảnh những bờ sông, con kênh, trục đường... nhếch nhác đầy túi nilon, chai nhựa và hình ảnh các bạn trẻ, kể cả các bậc cao niên sau đó "tạo dáng" bên những bao rác vừa dọn dẹp gọn gàng, trông thật dễ thương. Bên dòng Hương, đoạn trước mặt Trường THPT Quốc học Huế, hàng trăm thành viên đến từ các câu lạc bộ tập thể dục buổi sáng chủ nhật, đã thay giờ nhảy bằng giờ đi bộ nhặt rác quanh công viên Lý Tự Trọng. “Việc nhặt rác là để lan tỏa ý thức vệ sinh cho mọi người, vì thành phố của mình” - anh Thương cùng mọi người nhặt rác ở đây nói.
Trong khi đó, ở giữa sông Hương, thành viên đến từ nhiều đội nhóm, doanh nghiệp, câu lạc bộ đang hào hứng với hoạt động "làm sạch dòng Hương" bằng việc chèo thuyền SUP tản ra khắp mặt sông và các bãi cỏ ven sông gom rác. Kết thúc hành trình trở về nơi cũ, mỗi thuyền đều có “chiến lợi phẩm” đầy những bao rác to.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
cùng đồng bào bản A Hươr trồng hoa tạo cảnh quan.
cùng đồng bào bản A Hươr trồng hoa tạo cảnh quan.
Nguyễn Đình Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH K’event Anh Khoa, người sáng lập Team SUP đang tập hợp các thành viên tham gia chèo thuyền thể thao vớt rác trên sông Hương, chia sẻ: “Team SUP hiện có 10 chiếc thuyền, hy vọng thời gian tới sẽ thu hút thêm nhiều người trang bị thuyền mới và tham gia nhóm. Nếu được, chúng tôi sẽ mở tour du lịch trải nghiệm chèo thuyền thể thao vớt rác trên sông Hương. Đó là nét đẹp của những người trẻ hiện đại và văn minh, có ý thức bảo vệ môi trường”.
Từ phố thị về nông thôn, ngược lên các bản làng xa xôi ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, thời gian gần đây phong trào dọn vệ sinh môi trường cũng lan tỏa đến từng dòng họ, từng gia đình. Tại các thôn xóm ở xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, không ai bảo ai, cứ vào chiều thứ bảy cuối tuần, người dân lại cùng nhau làm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường làng, ngõ xóm, khu dân cư. Mọi người còn tuyển chọn và trồng thêm cây xanh, hoa, cỏ dọc 2 bên các trục đường và cắt tỉa tươm tất tạo mỹ quan.
Ngược lên tận bản biên giới A Hươr, xã Nhâm, huyện A Lưới để cùng đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây trồng hoa, dọn vệ sinh môi trường trên các trục đường gồ ghề, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã biểu dương, khen ngợi huyện A Lưới có nhiều hoạt động, mô hình mới nhằm huy động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, giúp bộ mặt A Lưới ngày càng thêm xanh-sạch-sáng. Ông Thọ cũng yêu cầu huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, khuyến cáo bà con đồng bào hạn chế sử dụng túi nilon, làm thay đổi nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, trên các tiêu chí về xanh, sạch, sáng, cần chọn để xây dựng các thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Người dân xã Nhâm, huyện A Lưới , Thừa Thiên - Huế cùng nhau dọn vệ sinh môi trường và trồng hoa.
Thay đổi nhận thức
Đề án “Ngày chủ nhật xanh” được duy trì thường xuyên vào các sáng chủ nhật hơn 2 tháng qua tại Thừa Thiên - Huế đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia với các công trình, phần việc mang hiệu quả thiết thực trong việc xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường, dọn dẹp vệ sinh, vớt bèo khơi thông dòng chảy, diệt cây mai dương, phát quang bụi rậm, vệ sinh bờ biển, bóc tách quảng cáo rao vặt không đúng quy định, lập lại trật tự vỉa hè, lề đường, tổ chức trồng cây xanh ở nhiều khu vực...
Anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn khởi, 10 tuần triển khai đã có gần 500 đợt ra quân với sự tham gia của hơn 40.000 người. Nhiều đơn vị trên địa bàn đã huy động sự tham gia của toàn cán bộ, trong đó nâng cao vai trò tổ dân phố, thôn, bản, các tổ chức đoàn thể khu vực dân cư hưởng ứng tích cực phong trào “Ngày chủ nhật xanh” cũng như công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát động cuộc thi "Thừa Thiên Huế - Hành động để thay đổi - Vì một Huế xanh" nhằm mang lại môi trường xanh - sạch - sáng. Theo đó, các đối tượng tham dự là những người dọn rác và địa điểm dọn rác trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Người tham gia cuộc thi với hành động dọn rác của mình hoặc nhóm của mình bằng cách ghi lại hình ảnh hiện trường trước và sau khi dọn rác phản ánh kết quả của người/nhóm người với hình ảnh chân thực, có cả hình ảnh người/nhóm người thi và hiện trường nơi dọn rác trong đó.
Viện cũng khuyến khích mọi người đăng tải thêm clip quay lại hình ảnh dọn rác của mình. Chia sẻ thành quả cùng một đoạn ngắn suy nghĩ, cảm xúc của bản thân (đội/ nhóm) lên trang cá nhân hoặc Fanpage Ban tổ chức https://www.facebook.com/Hue.challengeforchange cùng hashtag #huegreen. Số lượt "like" và "share" là tiêu chí để ban tổ chức đưa ra kết quả và tuyên dương, trao giải.
Tại hội nghị đánh giá 2 tháng triển khai đề án “Ngày chủ nhật xanh”, ông Phan Ngọc Thọ biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên các cấp với những kết quả đáng ghi nhận. Song theo ông Thọ, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, để có thể đạt được mục đích của đề án đề ra, đòi hỏi tất cả mọi người phải cùng nhau đi trên một con đường, con đường được mang tên “xanh - sạch - sáng”. Mỗi người phải có một tình yêu dành cho Huế, một ý thức làm cho Huế đẹp hơn khi đó mọi hành động về bảo vệ môi trường sẽ trở thành thói quen hàng ngày, một bản năng sinh hoạt trong cuộc sống.
“Đây không phải là công việc một sớm một chiều, mà cần phải làm thường xuyên, liên tục, thay đổi từ tư duy đến hành động của người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Từ đó bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và hình thành lối sống văn minh, văn hóa đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường trong cộng đồng và toàn xã hội” - ông Thọ tin tưởng và mong muốn phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tiếp tục lan tỏa trong toàn xã hội, nhận được sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của người dân trong việc thực hiện phương châm “Hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh, sạch, sáng”. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi đến người dân, du khách thông điệp: “Nhặt một cọng rác, bạn sẽ làm cho Huế sạch hơn”.