'Cá mập' nào rồi cũng phải 'lên thớt'

(ĐTTCO) - Việc hàng loạt lãnh đạo APEC Group bị khởi tố với tội danh thao túng giá là hồi chuông cảnh tỉnh cho những “cá mập” đã và đang có hành vi trục lợi trên thị trường.
'Cá mập' nào rồi cũng phải 'lên thớt'

Ngày 28-6, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng TTCK xảy ra tại CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Cơ quan An ninh điều tra cũng công bố quyết định khởi tố bị can và tạm giam đối với 5 bị can về tội thao túng TTCK theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, gồm: ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc APS; ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT APS; bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Lăng; bà Nguyễn Thị Thanh, Kế toán trưởng APS và bà Phạm Thị Đức Việt, Phó phòng Dịch vụ khách hàng APS.

Những dự án trên… giấy

APEC Group được thành lập tháng 11-2017, tiền thân là CTCP BG Group. Thời điểm mới thành lập, BG Group đăng ký quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Thời điểm hoàng kim, APEC Group còn đặt kế hoạch thực hiện các khu nhà ở an sinh xã hội trong giai đoạn 2021-2023 với quy mô 6-10 triệu căn hộ, với giá thấp nhất chỉ chưa đến 10 triệu đồng/m2.

Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né.

Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né.

Để thực hiện được tham vọng này, APEC đề nghị được chuyển đổi đất khu công nghiệp, đất nông nghiệp sang đất đầu tư đô thị và nhà ở xã hội. Tất nhiên, với đề xuất chung chung và thiếu thực tế này, kế hoạch của APEC nhanh chóng bị lãng quên.

Trên thị trường bất động sản, APEC được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước như: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Mandala Wyndham Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Aqua Park Bắc Giang, Điềm Thụy Center Point, Apec Dubai Ninh Thuận...

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp mới chỉ xây dựng thành công một số dự án và không gây được nhiều chú ý.

“Rắc thóc dụ gà”

Trong khi bất động sản vẫn chỉ là những dự án dang dở, thì APEC gây được tiếng vang trên TTCK với bộ 3 API, APS, JDJ. Với vai trò là người sáng lập, APEC Group gắn chặt với tên tuổi của ông Nguyễn Đỗ Lăng (SN 1974), tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý). Năm 1998, ông Lăng giữ chức vụ Giám đốc điều hành Prometeo Italia khi chỉ mới 24 tuổi.

Sau đó, ông có 6 năm giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường (CIC). Từ năm 2006-2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc APS, thành viên HĐQT IDJ và Chủ tịch HĐQT API.

Sau đợt thay đổi cơ cấu lãnh đạo từ tháng 6-2020, ông Lăng chỉ còn nắm giữ vị trí thành viên HĐQT API, thành viên HĐQT IDJ và thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS. Dù không còn trực tiếp nắm giữ vai trò cao nhất tại “hệ sinh thái” APEC, nhưng ông Lăng vẫn có tầm ảnh hưởng lớn tại API, APS và IDJ.

Nhắc đến CP thuộc “hệ sinh thái” APEC, chắc hẳn nhiều NĐT chưa quên màn “hô hào” cổ đông gồng lãi tại ĐHCĐ thường niên 2021 của APS ngày 16-11. Theo đó, ông Lăng và cổ đông APS cùng đeo khăn tím, hô to khẩu hiệu “quyết tâm gồng lãi” đầy phản cảm trên các diễn đàn CK.

Khẩu hiệu “gồng lãi” của ban lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh nhóm CP APEC đang “làm mưa làm gió” thị trường với đà tăng sốc chỉ trong thời gian ngắn. Cụ thể, từ mức giá chỉ vài ngàn đồng, bộ 3 APS, API, IDJ tăng sốc hàng chục lần lên mức giá từ 30.000-50.000 đồng.

Cả hệ sinh thái đều lao dốc

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, nhóm CP “hệ sinh thái” APEC lao dốc mạnh khiến cho nhiều NĐT nhỏ lẻ thua lỗ nặng. Cũng như “hệ sinh thái” FLC hay Louis, “bộ sậu” lãnh đạo APEC luôn phủ nhận các cáo buộc làm giá CP. Tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Lăng tự tin khẳng định: “Công ty làm đúng luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, chúng tôi cam kết xử lý nghiêm”.

Mới đây, tại ĐHCĐ 2023 của APS diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Lăng tiếp tục “khoa trương múa mép” thông báo nhiều quỹ hàng đầu đánh giá định giá của các CP APEC chưa đúng giá trị thực. Theo đó, CP họ APEC sẽ còn tăng gấp đôi, gấp 3 lần trong thời gian tới.

Được ví như là "linh hồn" của APEC, ông Lăng sở hữu lượng lớn các CP trong “hệ sinh thái” này. Theo thống kê, ông Lăng hiện nắm giữ trực tiếp gần 12 triệu CP APS (tỷ lệ 14,3%), gần 16,5 triệu CP API (tỷ lệ 19,6%) và hơn 2 triệu CP IDJ (tỷ lệ 1,3%).

Vợ ông Lăng là bà Huỳnh Thị Mai Dung cũng đang sở hữu trực tiếp gần 2 triệu CP APS (tỷ lệ 2,02%), 8,2 triệu CP API (tỷ lệ 9,82%) và gần 6 triệu CP IDJ (tỷ lệ 3,4%). Em ruột và con gái ông Lăng đang nắm hơn 800.000 CP APS, bố đẻ ông Lăng là ông Nguyễn Tiến Lộc nắm 440.000 CP API, con trai ông Lăng là Nguyễn Đỗ Đức Lâm nắm hơn 1 triệu CP IDJ (tỷ lệ 0,63%).

Như vậy, tổng lượng CP mà ông Lăng và người thân nắm giữ trực tiếp là gần 14,3 triệu CP APS, hơn 25 triệu CP API và 9 triệu CP IDJ. Bộ 3 CP này đều đồng loạt giảm sàn trong tuần vừa qua. Tạm tính theo thị giá ở phiên giao dịch cuối tuần qua, số lượng CP nắm giữ trực tiếp của nhóm cổ đông liên quan tới ông Lăng đã "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, những mất mát về vật chất như thống kê ở trên không thể nào sánh được với những chuỗi ngày mất tự do tới đây, thậm chí được tính bằng năm khi vụ án được đưa ra xét xử. Việc hàng loạt cá nhân rơi vào vòng lao lý trong thời gian gần đây là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân và tổ chức đã và đang có những hành vi sai trái trên TTCK. Bởi chắc chắn, đây chưa phải là những vụ án cuối cùng liên quan đến hoạt động thao túng giá trên TTCK bị đưa ra trước ánh sáng.

Trước đó, từ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho tới lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đều khẳng định, việc tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trên TTCK tiếp tục là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý và cơ quan chức năng nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hỗ trợ TTCK phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Theo UBCKNN, việc Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án thao túng TTCK tại API, IDJ và APS là vụ việc đơn lẻ liên quan tới một số tổ chức và cá nhân. TTCK Việt Nam vẫn hoạt động bình thường, ổn định, thông suốt. Do vậy, NĐT cần bình tĩnh, tránh những tác động tâm lý dẫn đến hành động vội vàng ảnh hưởng tới hiệu quả của quyết định đầu tư.

Các tin khác