Sau khi thăm hỏi, động viên bà con bản Sa Ná, ông Trần Quang Hoài cho biết, hiện cả nước có 100.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Số lượng các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có dấu hiệu tăng lên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc xây dựng các công trình dân cư phòng chống lụt bão, đặc biệt ở khu vực miền núi cần được tính toán kỹ, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ông Trần Quang Hoài tặng quà cho bà con bản Sa Ná.
Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT cũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến công tác PCTT nhưng nguồn lực có hạn trong khi phạm vi nguy hiểm, rủi ro rất lớn. Vậy nên, ngoài nguồn lực của Chính phủ, các địa phương phải tích cực phòng chống, cùng với Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng, theo dõi diễn biến mưa lũ, có hành động sơ tán dân nhanh chóng kịp thời.
Hiện Tổng cục PCTT đang lập dự án để báo cáo Chính phủ về những điểm, những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, từ đó có hướng dẫn chi tiết cho công tác ứng phó. Tổng cục cũng sẽ cho cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm và triển khai việc cảnh báo từ xa, tự động để nâng cao hiệu quả công tác PCTT thời gian tới.
Về vấn đề khắc phục hậu quả sau mưa lũ vừa qua tại bản Sa Ná, các ban ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa và huyện Quan Sơn đang khẩn trương xây dựng khu tái định cư mới cho người dân. Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, dự kiến đến ngày 31-11-2019 bà con bị thiệt hại do lũ quét sẽ được lên khu tái định cư mới.
Như SGGPO đã thông tin, đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với người dân Thanh Hóa. Có 16 người chết và mất tích, 35 ngôi nhà, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị sập hoàn toàn, nhiều nhà cửa, hoa màu,… bị thiệt hại. Riêng tại bản Sa Ná, trận lũ quét sáng ngày 3-8 đã khiến 4 người chết, 6 người mất tích.