Việc làm này nhằm mở đường cho hoạt động xuất khẩu sang Thái Lan khi nhu cầu cà phê của người dân nước này ngày một tăng.
Pajchima Tanasanti, người đứng đầu Bộ Sở hữu trí tuệ Thái Lan cho biết Hiệp hội người trồng cà phê Buôn Ma Thuột tại Đắk Lắk đã đăng ký Chỉ dẫn địa lý (GI) qua công ty luật Tilleke & Gibbins.
Đây là sản phẩm đầu tiên từ ASEAN đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Thái Lan. Bộ Sở hữu trí tuệ Thái Lan cho biết sẽ xem xét kỹ càng các thông tin và gửi quan chức giám sát đến các vùng trồng cà phê của Việt Nam theo khuôn khổ hiệp định đã ký với các nước thành viên ASEAN.
Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ mở đường cho sản phẩm cà phê của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Thái Lan khi nhu cầu cà phê của người dân nước này ngày một tăng.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Do đặc điểm địa lý, cà phê robusta trồng tại Buôn Ma Thuột có những đặc trưng riêng biệt về hương vị và chứa 2,0-2,2% cafein.